(TN&MT) - Nguồn nước nhiễm phèn nặng đã hành hạ hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Mỹ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hàng chục năm qua. Họ ngày đêm khao khát có nước sạch để dùng, vì đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Bà Lê Thị Nam (52 tuổi) trú thôn Phú Mỹ cho biết, nguồn nước của người dân địa phương chủ yếu là từ giếng đào, giếng khoan, tuy nhiên, tất cả đều bị nhiễm phèn rất nặng. Theo bà Năm, muốn sử dụng được phải đưa nước lên bể lọc để xử lý bớt. “Bơm lên bể lọc qua nhưng vẫn phèn lắm. Dùng để tắm giặt thôi chứ nhiều nhà ăn uống phải mua nước bình. Có nhà thì đánh liều dùng nước giếng.
Cách nhà bà Năm không xa, ông Nguyễn Toản (trú thôn Phú Mỹ) đang thuê 2 công nhân hì hục đào giếng khoan. Theo ông toản, đào 3 ngày trời xuống độ sâu hơn 40m rồi nhưng nước vẫn chưa sử dụng được. “Đào qua lớp đất mùn bề mặt, đến 3 lớp cát từ màu vàng đến đen mà vẫn hôi mùi phèn.
Cũng như gia đình ông Toản nhiều gia đình khác cắn răng bỏ khoản chi phí 40 - 50 triệu đồng khoan giếng sử dụng. Theo ông Toản, trước đây khi dùng nước giếng ở độ sâu tầm chục mét ông phải bơm nướ lên 2 bể chứa lọc. Chỉ cần vài ngày thôi là bể đọng cặn vàng, hôi tanh. Nhìn nước nó trong vậy nhưng bơm lên để lắng ở thau chậu là đều đóng cặn bẩn.
Hay như rửa tay chân thôi cũng cảm nhận nước có phèn. Ông Nguyễn Định, trú thôn Ấp Bắc, thợ khoan giếng lâu năm tâm sự, mỗi cái giếng ở địa phương đào 3-5 ngày trời với độ sâu gần 50m mới bớt đi mùi phèn. Thời gian ông đào rất nhiều giếng cho người dân. Tuy nhiên, ông Định nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi giếng đào dẫu rất sâu vẫn còn ô nhiễm.
Trưởng thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh, Đại Lộc) Võ Thanh Hiền cho biêt, toàn thôn có gần 300 nhân khẩu chủ yếu làm nông nghiệp. Nguồn nước sinh hoạt cho toàn thôn cũng từ nước giếng, nước khoan. “Nước ở đây độ phèn cao. Người dân sử dụng nước sinh hoạt rất bất an. Hầu hết nhà nào cũng mua nước bình để sử dụng”.
Theo ông Hiền, trước đây, sau nhiều lần người dân kiến nghị, chính quyền xã cũng đã mời được đơn vị doanh nghiệp về đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân nhưng không thành công. Đơn vị này sau đó đã “ôm” luôn tiền của người dân bỏ chạy.
Chính vì vậy, mới đây khi một tổ chức phi chính phủ ngõ ý hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống nước sạch và đề nghị người dân góp tiền trước để xây dựng hệ thống xử lý nước sạch. Tuy nhiên, người dân đã không đồng ý. “Chúng tôi mong muốn có nguồn nước sạch để sử dụng. Cũng vì nước bẩn mà nhiều xôn xao trong xóm làng rằng, các trường hợp đau ốm nặng hay các bệnh lien quan đến ung thư ở thôn là do nguồn nước”, ông Hiền nói.
Trao đổi với PV, ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh chia sẻ, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp cao hơn trong vấn đề hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do kinh phí, chính sách mà công tác này vẫn chưa được thực hiện. Xã Đại Minh cũng mong muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc cấp nước sạch.