Quảng Nam: Nhiều nơi chìm trong biển nước, người dân phải di chuyển bằng ghe

Lan Anh| 11/10/2022 14:46

(TN&MT) - Tại Quảng Nam, ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, lũ vùng thượng lưu sông Thu Bồn và Vu Gia đã đạt đỉnh và xuống chậm, hạ lưu đang lên chậm. Nhiều khu vực dân cư bị ngập sâu trong lũ, người dân địa phương phải dùng ghe để di chuyển.

Trong những ngày qua, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam xảy ra mưa lớn với lưu lượng hơn 600 mm, khiến nhiều khu dân cư tại đây ngập sâu. Tại khối phố Mỹ Thạnh Trung, phường Hoà Thuận, TP. Tam Kỳ, nước lũ dâng cao và ngập vào nhà dân cao lên hơn 1m khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường trong khối phố Mỹ Thạch Trung bị ngập nước nên người dân phải dùng thuyền để đi lại.

ngap1.jpg
Nước lũ dâng cao và ngập vào nhà dân cao lên hơn 1m khiến đời sống của người dân ở khối phố Mỹ Thạch Trung gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, trú khối phố Mỹ Thạch Trung cho biết: Mưa lớn tối 9/10 đến tối ngày 10/10, khiến nước ở mọi nơi chảy về khu dân cư gây ngập sâu. Đến 3h sáng cùng ngày thì nước đã tràn ngập vào nhà. Nếu mấy ngày tới trời vẫn tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ cả khu dân cư ngập nước sâu.

“Cứ đến mùa mưa là cả khu này ngập vì nằm ở vùng trũng, nước chảy không thoát kịp. Mỗi lần tiếp xúc cử tri hoặc họp ở khối phố người dân địa phương đã kiến nghị sự việc này với lãnh đạo TP Tam Kỳ để mong muốn ngành chức năng sớm bố trí tái định cư mới cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Nguyễn Kiều Hưng nói.

ngap11.jpg
Dù trời đã ngớt mưa nhưng nhiều khu vực dân cư ở Quảng Nam vẫn đang chìm trong biển nước

Từ sáng 11/10, tại TP Tam Kỳ đã ngừng mưa, tuy nhiên nước lũ rút chậm. Một số tuyến đường như Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh... nước còn ngập sâu nên chính quyền địa phương dùng dây chặn, không cho người dân đi vào.

ngap5.jpg
Phố cổ Hội An cũng ngập sâu trong nước lũ

Thời điểm 9h30 cùng ngày (11/10), hiện mực nước lũ tại Hội An là 2,21m (trên báo động 3: 0,11m) và đang có dấu hiệu lên chậm. Theo ghi nhận, tối qua (10/10), lũ từ dưới sông Hoài đã tràn lên một số tuyến đường ở trung tâm phố cổ như Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Lê Lợi, Châu Thượng Văn... Đặc biệt, 2 tuyến đường chạy dọc ven sông là Bạch Đằng và Nguyễn Phúc Chu đang ngập sâu 3m. Để di chuyển ra bên ngoài mua lương thực, người dân chỉ còn cách dùng thuyền.

ngap3.jpg
Để đảm bảo an toàn cho du khách, các cơ sở du lịch đã chủ động sơ tán du khách nước ngoài đang khu lưu trú bên An Hội

"Tầm 20h ngày 10/10, nước lũ bắt đầu băng qua đường Bạch Đằng và xâm lấn lên đường Nguyễn Thái Học. Nước lớn nhanh đến rạng sáng nay và đang tiếp tục lên chậm. Rất may, bà con trong khu phố cổ đã có sự chuẩn bị từ trước nên hàng lưu niệm, đồ đạc đã được kê lên cao nhằm tránh nước lũ ngấm" - chị Lê Thị Oanh - chủ một quầy lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học nói.

ngap9.jpg
Lực lượng môi trường cũng đang nỗ lực xử lý rác

Khu vực ngã ba giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Lê Lợi ngập sâu hơn 2m nên cách duy nhất để người dân sinh sống trên các tuyến đường này di chuyển ra bên ngoài là bơi thuyền.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, các cơ sở du lịch đã chủ động sơ tán du khách nước ngoài đang khu lưu trú bên An Hội (nằm phía bên kia sông Hoài) thuộc diện thấp trũng, ngập sâu sang trung tâm thành phố bằng thuyền.

ngap6.jpg
Người dân và du khách ở Hội An phải di chuyển bằng ghe, thuyền

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng giăng dây cấm các phương tiện ở một số khu vực nước sâu, chảy xiết, nhằm đảm bảo an toàn trong việc đi lại của người dân và du khách khi lũ đang lên. Lực lượng môi trường cũng đang nỗ lực xử lý rác, tránh gây ùn tắc ảnh hưởng đến dòng chảy.

ngap10.jpg
Hiện mực nước ở hạ lưu Quảng Nam vẫn tiếp tục lên chậm do thuỷ điện điều tiết lũ

Theo dự báo, trong vài giờ tới các thủy điện sẽ tiếp tục điều tiết lũ nên mực nước có thể sẽ dâng cao. Địa phương tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nhiều nơi chìm trong biển nước, người dân phải di chuyển bằng ghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO