Quảng Nam: Nguy cơ mất làng do nước biển xâm thực

30/10/2014 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, BĐKH với hiện tượng nước biển xâm thực tại tỉnh Quảng Nam, làm mất đi nhiều bãi tắm đẹp, nhiều khu vực rừng phòng hộ bị cuốn trôi.

(TN&MT) - Thời gian qua, biến đổi khí hậu với hiện tượng nước biển xâm thực đã diễn ra nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Nam, làm mất đi nhiều bãi tắm đẹp, nhiều khu vực rừng phòng hộ bị cuốn trôi và nước biển đang lấn sâu vào các khu dân cư ven biển, nhất là ở tại huyện Núi Thành và TP Hội An.
   
Hiện tượng nước biển xâm thực đang lấn sâu vào các khu dân cư.
   
Nước biển xâm thực nghiêm trọng
   
  Thành phố Hội An có bờ biển kéo dài khoảng 7km, nhưng từ năm 2009 đến nay, tình trạng mất đất do nước biển xâm thực đã xảy ra liên tục, đặc biệt ở khu vực biển Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp của thành phố du lịch này. Phường Cửa Đại có 3 km bờ biển thì đã có hơn 1 km bị lở sâu vào đất liền. Khu nghỉ dưỡng Đồng Dương được xây dựng kiên cố với nhiều căn hộ đẹp nhưng phải bỏ hoang do bị sóng đánh vỡ hệ thống kè bê-tông. Phần đất phía bên trong bị sụt lún, một dãy các căn hộ nhỏ ngã đổ trơ móng. Các khu nghỉ dưỡng nằm liền kề như Golden Sand, SunRise, Vinpearl… và nhiều bãi tắm công cộng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại trước đây cách biển hơn 200m, nhưng nay  chỉ còn khoảng 40m; sóng biển đã cuốn đi nhiều bãi tắm đẹp ở khu vực này.
   
  Tại xã Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, nhiều vị trí ở đây nước biển đã xâm thực sâu vào khoảng 50m chỉ trong vòng 5 năm qua. Tại thôn Thuận An, xã Tam Hải nơi có hai mặt giáp biển, do tình hình xâm thực của biển diễn ra nghiêm trọng nên 200 hộ dân nơi đây đang được chính quyền xã lên kế hoạch di dời đi nơi khác. Nhiều hộ dân ở thôn Thuận An cho biết, mùa mưa bão năm trước, sóng quá mạnh đã cuốn hết vạt thông chắn sóng, biển lấn sâu vào gần đến nhà dân. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi bão lũ hoành hành thì đất của làng cứ bị mất dần, người dân chúng tôi luôn sống trong cảm giác bất an” - một người dân tâm sự. Ông Phạm Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, hiện tượng nước biển xâm thực ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân thôn Thuận An ở xã đảo này. Hiện nay, các khu dân cư chỉ cách đường bờ biển khoảng 200 - 400m. “Những năm qua, mỗi khi mưa bão xuất hiện, chúng tôi phải lo tập trung di dời các hộ dân này đến nơi an toàn” - ông Thịnh nói.
   
Tìm cách ứng phó nước biển xâm thực
   
  Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ của các cơ quan chức năng ở tỉnh và trung ương thì các khu nghỉ dưỡng này đang phải tự bảo vệ tài sản của mình nếu như không muốn bị nước biển cuốn trôi đi. Ở khu vực biển Cửa Đại, mỗi khu nghỉ dưỡng có một cách làm riêng để chống lại sự xâm thực của nước biển. Khu nghỉ dưỡng Victoria dùng đá hộc và cọc tre, gỗ đóng xuống bãi cát nhằm giữ chân bờ kè; khu nghỉ dưỡng SunRise thì sử dụng công nghệ kè chắn mềm bằng bao cát có bề ngang 2m theo công nghệ của Australia để bảo vệ bãi biển dài 200m.
   
  Không dừng lại ở đó, khu nghỉ dưỡng Golden Sand còn tự làm kè đá hộc bảo vệ ra xa diện tích đất được giao quyền sử dụng 15m đồng thời còn làm một kè vành đai lấn biển cách bờ 70m để hạn chế những con sóng lớn.
   
  Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án chống xâm thực bờ biển Hội An với tổng kinh phí phê duyệt đầu tư gần 299 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là trên 80 tỷ đồng với chiều dài bờ kè xây dựng là gần 1.340m; đến nay thành phố Hội An đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 714m bờ kè.
   
  Trong thời gian qua, TP Hội An đã đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép thành phố được thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá tình hình nước biển xâm thực trên địa bàn; tiếp tục đầu tư xây dựng các đoạn kè còn lại thuộc Dự án chống xâm thực bờ biển Hội An giai đoạn 1. Mặc dù tình trạng nước biển xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá một cách tổng quát vấn đề này.
   
  Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị thành lập tổ giúp việc gồm các thành viên của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ban ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết vấn đề xâm thực vùng ven biển Hội An.Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại thành phố Hội An tăng khoảng trên 0,5 cm/năm. Như vậy, có thể thấy được sự ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng tại thành phố này nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
   
Theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2; trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn 26%, huyện Duy Xuyên gần 16% và huyện Núi Thành 15% diện tích bị ngập.
    
   
Bài và ảnh:XUÂN LAM
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nguy cơ mất làng do nước biển xâm thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO