Hơn một tuần nay, người dân chuyên nuôi nghêu lâu năm dọc sông Trường Giang sốt ruột như “ngồi trên đống lửa” trước tình trạng nghêu đang trong thời kỳ thu hoạch thì bỗng nhiên chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Các hộ dân đã báo sự việc lên chính quyền địa phương, đồng thời thu gom xác nghêu để tránh ô nhiễm môi trường.
Bất lực nhìn vạt nghêu cất công nuôi từ đầu năm chết trắng sông, ông Bùi Ngọc Hoành (trú xã Tam Hải) buồn rầu cho biết, nghêu giống được mua ngoài Đà Nẵng với giá gần cả trăm triệu đồng. Khi sắp sửa cho thu hoạch thì xảy ra hiện tượng nghêu chết dày đặc. Do không xác định được nguyên nhân nên ông không biết phương pháp nào để hạn chế nghêu chết.
“Lúc đầu nghêu phát triển tốt nhưng không hiểu nguyên nhân gì gần tuần nay chết hoàn toàn. Tôi phải vớt xác nghêu chết đưa đi tiêu hủy với hy vọng giữ được số nghêu ít ỏi còn sống để bán nhằm vớt vát đồng nào hay đồng nấy”, ông Hoành bộc bạch.
Nghêu chết hàng loạt khiến người nuôi điêu đứng |
Tương tự với tình cảnh ông Hoành, nhiều ngày nay ông Huỳnh Văn Ba (54 tuổi, trú thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) cũng túc trực ở khúc sông Trường Giang – đoạn chảy qua phần diện tích mặt nước nuôi nghêu của gia đình mình – từ sáng sớm cho tới chập choạng tối để theo dõi tình hình nghêu chết bất thường.
Gương mặt lộ vẻ buồn rầu, ông Ba kể, sau Tết Nguyên đán, ông ra tận tỉnh Thái Bình để đặt mua gần 5 tấn nghêu trắng với số tiền 120 triệu đồng và về nuôi trên diện tích hơn 1ha mặt nước sông Trường Giang.
“Sau gần 3 tháng thả nuôi, tôi ước lượng từ 5 tấn nghêu giống ban đầu đã nâng lên khoảng 10 tấn. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì mà nghêu bất ngờ chết la liệt. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% nghêu nuôi của gia đình tôi coi như mất trắng”, ông Ba giãi bày.
Theo ông Ba, nếu không xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt với số lượng ngày một nhiều, ông dự tính 5 tấn nghêu giống ban đầu sau 6 tháng nuôi thả sẽ cho sản lượng khoảng 20 tấn.
“Giá 1kg nghêu trên thị trường dao động từ 15-20 nghìn đồng. Như vậy, dự tính với 20 tấn nghêu, tôi có thể thu về tầm 300-400 triệu đồng”, ông Ba nói và ngậm ngùi chia sẻ, tuy nhiên, với cái đà nghêu chết gần hết như hiện nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, coi như vụ nghêu này gia đình ông trắng tay.
Không riêng gì trường hợp của ông Ba và một số hộ nuôi nghêu xã Tam Hòa, hàng chục hộ dân xã đảo Tam Hải cũng điêu đứng vì đang đối mặt với một vụ nghêu thất bát.
Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng có thể nghêu chết do ô nhiễm nguồn nước. |
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải - cho biết, toàn xã có 17 hộ nuôi nghêu dọc sông Trường Giang với diện tích mặt nước hơn 13ha. Tiếp nhận phản ánh của người dân về việc nghêu chết, cán bộ xã đã thực tế, lấy mẫu và sau đó có báo cáo gửi Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Núi Thành và Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, xác nhận, đây không phải năm đầu tiên xảy ra tình trạng nghêu chết. Thời điểm chuyển mùa là thời điểm nghêu dễ chết nhất. Nhưng hiện tượng nghêu chết hàng loạt diễn ra trên diện rộng dọc theo sông Trường Giang ở huyện Núi Thành thì cho thấy có thể nguồn nước bị ô nhiễm.
“Ô nhiễm nguồn nước có nhiều nguyên nhân, trong đó việc người dân cải tạo đất không tốt, chưa nạo vét bãi trước khi thả giống bởi 50cm tầng trên là lớp bùn rất ô nhiễm thì sẽ khiến dịch bệnh bùng phát liên tục”, ông Tấn nhận định.