Quảng Nam: Kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản tại Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc

23/01/2018 15:15

(TN&MT) - Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, tình hình khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép (đặc biệt là cát, sỏi xây dựng thông thường) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.  

Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND huyện Đại Lộc thị sát thực tế tình hình khai thác khoáng sản trên tuyến sông Thu Bồn
Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND huyện Đại Lộc thị sát thực tế tình hình khai thác khoáng sản trên tuyến sông Thu Bồn


Tối ngày 12/1, Đội Cảnh sát Đường thủy - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam thực hiện tổ chức tuần tra trên tuyến sông Thu Bồn đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình tuần tra, đến rạng sáng ngày 13/1, Đội Cảnh sát Đường thủy - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ được 5 tàu hút cát trộm, qua lời khai ban đầu các lái tàu khai nhận chỉ là người đi hút thuê cho các chủ bãi tập kết, hoặc hút trộm về bán lại cho các bãi tập kết với giá 60.000 đồng/ m3. Trước đó, khoảng 21h ngày 30/12, tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện và bắt giữ 6 ghe đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, gồm ghe máy QNa-1011 do ông Ngô Văn Sang (trú xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) điều khiển; ghe máy QNa-0972 do ông Trần Minh Đức (trú xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc) điều khiển; ghe máy do ông Trần Xuân Phương (trú phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) điều khiển; ghe máy QNa-1037 do ông Phan Minh Phi (trú xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) điều khiển; ghe máy QNa-1091 do ông Nguyễn Hào (trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) điều khiển; ghe máy QNa-1008 do ông Hứa Văn Dũng (trú xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) điều khiển. Tổng số cát đã khai thác trái phép trên 6 phương tiện này gần 300m3.
 

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông tại Quảng Nam bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Điều đó cho thấy tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Quảng Nam có những diễn biến rất phức tạp.
 

Để kịp thời xử lý hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn, ngày 16/1 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 246/UBND-KTN về việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 22/1, đoàn công tác liên ngành do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam làm chủ công đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc. Tại huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Thu Bồn đoạn chảy qua 2 địa phương này. Còn tại huyện Đại Lộc, đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn.

Một điểm tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện Đại Lộc
Một điểm tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện Đại Lộc


Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Sở TN&MT, UBND huyện Đại Lộc và chính quyền các địa phương trong huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản. Nhờ đó, đến nay tình hình quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc thực sự đã đi vào nền nếp, ổn định về chiều sâu, cơ bản không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như thời gian trước, góp phần phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, ông Mẫn cũng thừa nhận một thực tế là bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết như địa bàn huyện Đại Lộc rộng và địa hình phức tạp, các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ lại nằm rải rác, giáp ranh với nhiều huyện nên công tác quản lý cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định.
 

Bên cạnh đó, một số địa phương còn xem nhẹ công tác quản lý địa bàn, xem công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản là của cấp trên. Nhằm khắc phục những tồn tại trên, UBND huyện Đại Lộc đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thực hiện chỉ đạo của cấp trên về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
 

Như vậy, có thể thấy, tỉnh Quảng Nam đã và đang có những động thái rất quyết liệt nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển khoáng sản tại các địa phương. Điều này sẽ góp phần tránh thất thoát tài nguyên của đất nước và đảm bảo được tình hình an ninh trật tự tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản tại Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO