Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được phê duyệt Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại các khu vực có quy mô dưới 05 ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam (không được chia cắt khu vực có quy mô lớn, không kết hợp khai thác và tận thu khoáng sản trong quá trình cải tạo, chỉnh trang).
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về quy trình, nội dung yêu cầu để lập và thực hiện các Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng theo Quyết định này; đồng thời có ý kiến thẩm định các Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng trước khi UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ quá trình cải tạo đất phục vụ sản của các địa phương trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại các địa phương và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phê duyệt các Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng theo quy mô diện tích được ủy quyền, chịu trách nhiệm quản lý quá trình thực hiện cải tạo, chỉnh trang tại địa phương; tổ chức nghiệm thu đánh giá và báo cáo kết quả cải tạo, chỉnh trang về UBND tỉnh Quảng Nam sau khi kết thúc thực hiện phương án.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương tạm dừng thực hiện các phương án cải tạo đồng ruộng có kết hợp tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh, để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án này.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam thực hiện mục tiêu cải tạo hơn 1.000 ha đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa hơn 10.000 ha đất khác nhằm thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra những bất cập như: xe tải chở đất sét dư thừa sau cải tạo ngang nhiên đi lại trên đường làng, gây ô nhiễm, hư hỏng đường sá; đơn vị thi công chỉ lo "tận thu" đất sét để bán, quên đi mục tiêu chính là cải tạo, dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng để thuận lợi trong việc tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp, khiến nhiều thửa ruộng trở nên khô cằn, không bằng phẳng sau khi cải tạo.
Thậm chí, nhiều thửa ruộng còn bị đào sâu, tận thu đất sét, để lại nhiều hệ lụy về môi trường, giảm chất lượng đồng ruộng, khiến người dân bất bình và nhà nước mất đi một khoản thu lớn đối với lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp tận thu trong quá trình thực hiện việc cải tạo ruộng đồng.