Ngày 7/4, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 3, quý I và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2022, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, trong bối cảnh BĐKH đang ngày càng gia tăng, vấn đề tái định cư ở vùng núi của địa phương là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Hiện nay, tỉnh vẫn sắp xếp theo xen ghép là chủ yếu, việc tìm những điểm mới mà mặt bằng tốt là liên tục trong 1 năm ngành phối hợp với địa phương khảo sát nhưng rất khó khăn. Các sở nghành, địa phương mong sớm ổn định ở Phước Thành (Phước Sơn) sau cơn sạt lở năm 2020.
“Sắp đến ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh gửi văn bản đến Trung ương để hỗ trợ về nguồn lực. Bởi vì hiện nay ở vùng núi tìm ra điểm phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân rất là khó. Với điều kiện khó khăn của tỉnh về mức độ đầu tư cũng như sắp xếp dân cư. Vừa qua, từ ngày 31/3 đến 3/4 với lượng mưa lớn như vậy thì chúng ta cũng thấy được mức độ biến đổi khí hậu dị thường của thời tiết” – ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, cùng một sự việc ở 2 địa phương nhưng nhân dân ở Nam Trà My đã đi vào ổn định còn ở Phước Sơn thì vẫn còn loay hoay thì thời gian đến tỉnh tiếp tục chỉ đạo huyện Phước Sơn đẩy nhanh tiến độ.
Quảng Nam là một trong những địa phương sớm triển khai Đề án sắp xếp lại dân cư vùng miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh này đã sắp xếp lại 6.500 hộ dân vào các khu tái định cư an toàn. Thế nhưng, từ sau các trận sạt lở núi, lũ quét vùi lấp nhiều bản làng trong mùa mưa bão thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đang tính toán, cơ cấu lại chính sách đầu tư phát triển miền núi.
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu giai đoạn 2021- 2025 thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.
Báo cáo tại buổi họp báo, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc, thích ứng với tình hình mới, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,09% so với cùng kỳ, riêng ngành công nghiệp tăng 15,62%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2022 tăng 22,5% so tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động trở lại, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh do chính sách mở cửa du lịch và các hãng hàng không nối lại nhiều đường bay quốc tế, tốc độ tăng trưởng khu vực thương mại, dịch vụ tăng 3,3% so với cùng kỳ.