Quảng Nam: Hàng loạt dự án “nằm chờ” đất, cát
Nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ khiến hàng loạt các dự án công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thi công ì ạch, chậm tiến độ đề ra.
Công trình “đứng bánh”
Thời gian qua, tình trạng thiếu đất đắp nền khiến hàng loạt công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng. Đáng nói nhiều công trình dân sinh quan trọng nhưng vẫn tạm ngừng vì nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường như đất đắp nền, cát xây dựng thiếu hụt.
Điển hình ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có dự án cầu Tây An 1 và Tây An 2 bắc qua sông Cầu Chìm, được đầu tư 250 tỷ đồng, đã hoàn thiện các hạng mục nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn. Cụ thể Cầu Tây An 1 dài 307m và Tây An 2 dài 79m, nằm trong dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, kết nối Trung tâm hành chính huyện, quốc lộ 1 và quốc lộ 14H. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua sau khi các hạng mục chính trên 2 cây cầu cơ bản hoàn thiện vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, do thiếu đất đắp các bên mố cầu và đường dẫn.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dự án cầu Tây An 1 và 2 phải tạm dừng thi công một số hạng mục do trên địa bàn và các huyện lân cận đang khan hiếm nguồn đất đắp. Để giải quyết vấn đề này UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được cấp mỏ khai thác làm vật liệu thông thường, đồng thời đẩy nhanh triển khai thi công các hạng mục còn lại trên toàn tuyến nhằm kịp tiến độ như đã đề ra.
“Đối với các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch thì khẩn trương lập thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên vật liệu trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam”, ông Nguyễn Thế Đức nói.
Tương tự, dự án cầu và đường ĐH7 bắc qua sông Vĩnh Điện nối phường Điện Thắng Bắc với Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành đầu năm 2023. Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 230 tỷ đồng. Thế nhưng hiện đường dẫn phía Điện Thắng Bắc được thảm nhựa, phía Điện Ngọc chưa hoàn thành. Cầu xong nhưng chưa có đường dẫn, người dân phải qua lại bằng cầu sắt đã xuống cấp cách cầu mới 400 m về phía đông nam.
Lý giải về tiến độ của dự án, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn hay, thời điểm từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023 nguồn cung cấp đất đồi hạn chế, vật liệu cát tăng cao và nguồn cung hạn chế do đó ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư dự án.
Hay như, dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Quế Sơn do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu đư gần 49 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dãy nhà chính đã xây xong, tuy nhiên không thể đưa vào sử dụng do thiếu đất san lấp, không thể thi công các hạng mục khác. Trong khi đó hơn 800 học sinh ở đây phải học tai trường cũ xuống cấp.
Tìm cách tháo gỡ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên toàn tỉnh có 238 điểm mỏ vật liệu san lấp, với trữ lượng 113 triệu m³. Tuy nhiên, phần lớn các mở chưa đưa vào khai thác khiến nguồn cung vật liệu san lắp cho các công trình trọng điểm trở nên khan hiếm khiến nhiều hạng mục phải thi công cầm chừng.
Để giải quyết việc thiếu hụt vật liệu, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần có văn bản gửi các sở ngành liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp để bổ sung và đưa vào hoạt động các mỏ nguyên vật liệu, sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vật liệu xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng thiếu đất đắp ở các dự án vẫn không được giải quyết.
Mới đây, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có văn bản gửi Sở TN&MT, UBND các huyện liên quan chỉ đạo các chủ mỏ của 40 giấy phép khai thác khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi lòng sông) còn thời hạn phải khai thác đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp. Nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Các sở liên quan (TN&MT, KH&ĐT) phối hợp các địa phương đôn đốc, hướng dẫn, sớm tham mưu giải quyết các thủ tục về thăm dò, cấp giấy phép, sớm đưa các mỏ vật liệu đã tổ chức đấu giá vào khai thác, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
Các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Phước Sơn, Tây Giang và thị xã Điện Bàn khẩn trương tổ chức đấu giá 22 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Lựa chọn, hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá thực hiện các thủ tục tiếp theo để sớm được cấp phép, đưa mỏ vào khai thác.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu vật liệu (đất, đá, cát sỏi), đề xuất các mỏ cần đưa ra đấu giá hoặc khoanh định không đấu giá để phục vụ thi công đối với các công trình trọng điểm hiện nay đang triển khai đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do đơn vị, địa phương mình quản lý.
Riêng các điểm mỏ vật liệu đã được UBND tỉnh phê duyệt khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Sở TN&MT đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản... thì các ban quản lý đầu tư theo dõi. Yêu cầu các đơn vị được lựa chọn (cũng là nhà thầu thi công công trình) khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Nỗ lực sớm đưa mỏ vào hoạt động, cung cấp kịp thời nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với đơn vị chậm trễ, không tích cực thực hiện thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.