Quảng Nam: Đại Lộc nâng cao đời sống từ bảo vệ môi trường
Thời gian qua, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT
Nhận thấy công tác BVMT là yếu tố quan trọng để bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững; các ban, ngành chính quyền huyện Đại Lộc thực hiện nhiều giải pháp BVMT trên địa bàn huyện.
Ngay từ đầu năm 2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đại Lộc tập trung tăng cường công tác quản lý về thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện; giám sát tình hình hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Bắc Quảng Nam và Trạm xử lý nước thải sinh hoạt khu đô thị Nam thị trấn Ái Nghĩa. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT tại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, Phòng đã phối hợp với các ngành có liên quan mời các đơn vị sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường làm việc triển khai nhiệm vụ năm 2023 và cam kết BVMT trong quá trình hoạt động.
Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Tham mưu UBND huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
Đồng thời, tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 03/4/2023 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước trên địa bàn huyện Đại Lộc năm 2023; đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành công tác BVMT và tài nguyên nước tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, Phòng TN&MT tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Sở TN&MT tổ chức; phối hợp các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn về việc thu gom rác thải nguy hại đồng ruộng đợt 1.
Cải thiện thu nhập người dân, hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
Với sự phát triển của khoa học kỷ thuật, ngành nông nghiệp có nhiều điều kiện để phát triển, song trong quá trình sản xuất, người nông dân quá lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: làm cho đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng, từ đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cho nên, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu.
Xuất phát từ ý nghĩa tầm quan trọng đó, Hội Nông dân huyện Đại Lộc tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân; thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Đi đôi với công tác tuyên truyền, Hội nông dân huyện chỉ đạo Hội nông dân xã triển khai liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông dân.
Có thể nói, ban đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, nông dân còn chần chừ do dự, không tham gia, bởi nông dân đã quen sử dụng thuốc cỏ, thuốc BVTV, phân hóa học. Để khắc phục những tồn tại, Hội nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với nhiều hộ nông dân cùng tham gia, tăng thêm diện tích canh tác và tăng cường công tác kiểm tra, trong đó phát huy vai trò nông dân tự giám sát, tự quản với nhau, theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng”. Chính nhờ làm tốt công tác giám sát này và doanh nghiệp cũng đã tăng cường kiểm định đất, nên toàn bộ sản phẩm nông dân sản xuất ra đều được Công ty liên kết bao tiêu thu mua 100%, tạo niềm tin phấn khởi trong nhân dân. Đến nay, công tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đi vào nề nếp, nông dân rất phấn khởi, tạo được sự gắn kết tổ chức Hội với nông dân.
Điển hình là Hội nông dân xã Đại Thắng liên kết với Công ty thực phẩm NOOM để sản xuất đậu phộng, mè không sử dụng hóa chất. Trong năm 2022 vừa qua, tổng diện tích sản xuất đậu phộng, mè là: 28 ha (Đậu phộng: 14 ha, mè 14 ha) với 65 hộ tham gia. Mức thu nhập từ đậu phộng, mè/ha sau khi trừ chi phí là 94,4 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với sản xuất thông thường, tạo cho người dân có cuộc sống ổn định. Từ sản phẩm đậu phộng, mè sạch này, HTX NN Đại Thắng đã chế biến ra đậu phộng an toàn Đại Thắng được kiểm định đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP.
Bên cạnh việc liên kết với Công ty thực phẩm NOOM sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Hội nông dân xã Đại Thắng đã mạnh dạn liên kết với Công ty giống Thái Bình để sản xuất lúa giống và ngô giống. Hằng năm, Hội nông dân xã vận động nông dân sản xuất từ 150- 180 ha lúa giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với thóc thịt; đặc biệt trong năm 2022, Hội nông dân xã đã vận động nông dân sản xuất thử nghiệm thành công hơn 3 ha hạt giống ngô nếp TBM18 mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,5 lần so với sản xuất ngô thông thường, bản thân Chủ tịch Hội nông dân xã đã trực tiếp tham gia dự án, sản xuất 200m2, có thu nhập 4 triệu đồng, tương đương 10 triệu đồng/sào (500m2). Sau khi trừ chi phí thu nhập 8 triệu đồng/sào (500m2).
Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT cho biết, tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, tổ chức xây dựng cánh đồng lớn, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp & PTNT luôn chú trọng tập trung chỉ đạo công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi, thực hiện công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức xử lý tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vaccine gia súc, gia cầm để đảm bảo ngành chăn nuôi ổn định và phát triển.
Hiện nay, các xã, thị trấn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh để duy trì cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp; đồng thời vận dụng các chương trình, dự án giúp người dân, nhất là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.