Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có ý kiến như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến hết ngày 28/9/2022 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến hết ngày 28/9/2022 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h00 ngày 27/9/2022 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Cũng trong sáng 27/9, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh đã có văn bản yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h00 ngày 27/9 cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố.
Tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h00 ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Trong trường hợp người dân không chịu di chuyển sẽ cưỡng chế người dân, sơ tán đến nơi an toàn. Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng trũng thấp, ngập úng đến nơi an toàn. Hoàn thành trước 14h00 ngày 27/9.
Dự kiến, trong sáng và trưa nay (27/9) TP. Đà Nẵng sẽ khẩn cấp sơ tán hơn 80.800 người. Trong đó, sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (sơ tán tại chỗ đến nhà lân cận kiên cố hơn) 54.932 người.
Tại Âu thuyền Thọ Quang hiện đã có hơn 800 tàu cá neo đậu, hơn 220 tàu cá neo đậu ở các vị trí khác (vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ Đông, Tây Sông Hàn,…), 66 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.