Chủ động “vượt khó”
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục bám sát các chỉ đạo của UBND TP và Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, chú trọng thực hiện 5K, bảo đảm công tác vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ toàn bộ các khu vực dịch vụ.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng dịch và bảo vệ môi trường biển.
Du khách mang khẩu trang khi đi đến vui chơi tại biển Đà Nẵng |
“Chúng tôi quán triệt tất cả nhân viên phải mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn; thường xuyên dùng loa nhắc nhở người dân không tập trung quá đông ở một khu vực dù ở trên bờ hay dưới bãi tắm. Ở lối ra vào khu nhà tắm nước ngọt và yêu cầu khách khử khuẩn trước khi ra, vào; đồng thời lắp đặt vị trí thùng rác hợp lý để thu gom khẩu trang của người xuống tắm biển"- anh Vũ cho hay.
“Biến nguy thành cơ”, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, đầu tư phát triển du lịch và không gian du lịch của thành phố trên cơ sở cập nhật tình hình diễn biến Covid-19 trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng luôn chú trọng thực hiện 5K, bảo đảm công tác vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ toàn bộ các khu vực dịch vụ. |
Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 như: triển khai những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay… chờ dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi.
Hiện UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương, giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay vốn không thế chấp.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện đã có khoảng 2.000 người làm việc trong ngành du lịch đăng ký vay vốn.
“Hy vọng, sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này ngay trong tháng 6/2021, để cán bộ, công nhân viên trong ngành du lịch vượt qua được khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Hiệp hội Du lịch, Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch thành phố vừa giúp lao động vượt qua khó khăn vừa giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ lao động phục hồi với tiến độ phòng chống dịch.”- ông Dũng nói.
Từng bước khôi phục du lịch
Tại tỉnh Quảng Nam, nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh, chủ di tích mở cửa sau dịch, tạo việc làm cho người lao động, địa phương đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm trên địa bàn thành phố Hội An và quy định mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, thống nhất hỗ trợ 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An với mức 5 triệu đồng/tháng/di tích, áp dụng từ đầu tháng 7 cho đến hết năm 2021. Qua đó, hỗ trợ các chủ di tích một phần chi phí quản lý, điện, nước, thuê người phục vụ... để duy trì mở cửa đón khách tham quan.
TP. Hội An đã nối lại tuyến du lịch thăm Cù Lao Chàm và đang lên phương án mở lại các điểm du lịch trong tháng 6 và 7/2021. |
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định chi 10 tỷ đồng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông, xúc tiến, quảng bá... kích cầu du lịch với mức tối đa không quá 500 triệu đồng/1 sự kiện.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, khi dịch Covid-19 tại địa phương cơ bản được kiểm soát, trước mắt TP. Hội An đã nối lại tuyến du lịch thăm Cù Lao Chàm và đang lên phương án mở lại các điểm du lịch trong tháng 6 và 7/2021.
“Chúng tôi mạnh dạn mở cửa tuyến Hội An - Cù Lao Chàm. Theo đó, khách du lịch đang sinh sống trên địa bàn tỉnh được phép ra đảo tham quan. Các trường hợp ngoài tỉnh vẫn thực hiện theo các thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam. Chúng tôi tập trung những dòng khách du lịch trải nghiệm, khám phá thắng cảnh, nơi tương đối biệt lập như lặn biển ngắm san hô… Nếu tình hình ổn thì sẽ tiếp tục mở cửa tham quan phố cổ, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm, các làng nghề" – ông Lanh nói.
|