Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam có 29 mỏ khoáng sản được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết, trong số này một số mỏ, bến bãi hoạt động trái phép, khai thác quá mức trên các lòng sông đã gây sạt lở, mất đất tại nhiều nơi, gây bức xúc lớn trong nhân dân. UBND tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn là do công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi còn bất cập, chưa thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc khai thác trái phép cát, sỏi cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm, trong đó nóng nhất là các địa phương: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên.
Để lập lại trật tự trong việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Nam tiến hành siết chặt các hoạt động quản lý, chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.
Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bài tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường...
Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6 giờ - 18 giờ từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6 giờ - 17 giờ từ tháng 10 đến hết tháng l2 dương lịch... Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì đình chỉ khai thác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất lập các chốt kiểm tra, kiểm soát có camera giáp sát 24/24 tại 5 vị trí: ngã ba Đại Hiệp (QL14B- ĐT609B), ngã ba Cẩm Lý (ĐT609- ĐT 605), ngã ba Tứ Câu (QLlA- ĐT603), ngã tư Điện Ngọc (ĐT603- ĐT607) và ngã ba Vòm (Thu Bồn- Vĩnh Điện), giao cho các địa phương quản lý… Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam xác định giảm còn không quá 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn và mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi. Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng, UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là địa bàn rộng, tài nguyên khoáng sản nhiều... chính vì vậy, công tác kiểm tra khoáng sản có nhiều khó khăn... Ông Thanh đề nghị với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các bến bãi. Đối với các bến bãi hết phép phải dừng hoạt động, trường hợp để xảy ra sai phạm thì lãnh đạo địa đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm...
Ông Thanh nhấn mạnh, tuyệt đối không gia hạn các hồ sơ bến bãi đã hết hạn. Đồng thời chủ động xây dựng phương án giảm dần các doanh nghiệp hoạt động trên sông Thu Bồn. Tình trạng tồn tại các bãi trung chuyển thì giải quyết xử lý dứt điểm.