Quảng Nam: Chủ động, tích cực tiệm cận với Luật
(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách sẽ giúp Quảng Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, địa phương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn để có căn cứ thực hiện ngay khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.
Kịp thời “gỡ vướng”
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, địa phương gặp khó do một số luật, nghị định bị chồng chéo, thiếu quy định rõ ràng. Nếu làm đúng luật này, thì vướng luật kia. Công tác quản lý đất đai cũng gặp nhiều khó khăn như công tác đo đạc - bản đồ có lúc, có nơi thực hiện chưa kịp thời với yêu cầu đặt ra. Nhiều nội dung tồn tại, vướng mắc trên lĩnh vực đất đai như rà soát đất công ích 5%; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các trường hợp di dân vùng sạt lở, rà soát hồ sơ 299/TTg..., bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án chậm được xử lý; công tác xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án chưa được kịp thời, chưa đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành…
Ông Nguyễn Trường Sơn -Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024 có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương trong thời điểm này. Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh như việc thu hồi đất, bồi thường, điểm bất hợp lý trong chủ trương, chính sách sử dụng đất và sự phát triển bất ổn của thị trường bất động sản khiến nguồn lực đất đai bị sử dụng lãng phí; nỗi lo về quyền bình đẳng trong tiếp cận đất đai cũng như quyền có nhà ở của công dân đã được hiến định.
Đặc biệt Luật Đất đai 2024 mở ra định hướng lớn giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tại Quảng Nam vận hành hoạt động theo tinh thần phải hướng đến và đạt được hiệu quả cao nhất trong quản lý và sử dụng đất đai phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nguồn lực đất đai phải tiếp tục được khẳng định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tác động trực tiếp đến các đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của từng người dân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, cụ thể hơn, Luật Đất đai 2024 được ban hành sẽ giúp cho các chủ thể trong quản lý và sử dụng đất có cơ sở pháp lý rõ ràng, ổn định; dễ áp dụng và triển khai thực hiện; cắt giảm một số thủ tục hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng.
Trong năm 2024, Sở TN&MT sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung tổng kết đánh giá, rà soát và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND - UBND tỉnh để triển khai các nội dung Luật phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các quy định mới của Luật Đất đai mới và phối hợp mở lớp đào tạo về công tác định giá đất cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố…
“Hiện nay, các địa phương rất mong Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn để có căn cứ thực hiện ngay khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành” - ông Sơn đề nghị.
Không để bị động
Cho rằng “bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và tổ chức trong sử dụng đất” là nội dung quan trọng trong Luật Đất đai 2024, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng, Luật Đất đai mới sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” mà Luật cũ đang gặp phải.
Theo ông Lê Trí Thanh, đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, do đó để đảm bảo thực thi hiệu quả công tác quản lý đất đai, toàn ngành TN&MT và các địa phương hết sức quan tâm, áp dụng triển khai chặt chẽ trong giai đoạn hiện nay. Để không xảy ra những vi phạm như trước đây, công tác xác định giá đất; việc giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất phải được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng. Đồng thời phải chú trọng phát triển, tạo lập quỹ đất; khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính, số hóa dữ liệu đất đai…
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo thực thi hiệu quả Luật, ngay từ bây giờ, công tác quản lý, sử dụng đất của Sở TN&MT và các địa phương phải dần tiệm cận với những quy định mới của Luật Đất đai 2024 để không bị động khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Có như vậy, mới phát huy mạnh mẽ nguồn lực đất đai, bảo đảm khoa học, nhân văn, hài hòa quyền và lợi ích, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.
“Ngành tài nguyên, môi trường phải cùng các địa phương rà soát cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đã ban hành, vướng cái gì trong thực tiễn, cần thiết thì phải sửa, đồng thời phải tham chiếu Luật Đất đai 2024 khi đã có hiệu lực. Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, trong đó có giới hạn thời gian giải phóng mặt bằng trong thời gian 36 tháng chứ không phải như hiện nay.”- ông Lê Trí Thanh yêu cầu.