Khoáng sản

Quảng Nam: Chậm hoàn thổ sau khai thác mỏ, dân gánh hệ lụy

Lan Anh 20/06/2024 - 17:26

(TN&MT) - Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều mỏ đất được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác, hết thời hạn cấp phép vẫn chưa hoàn thổ, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khiến núi đồi nham nhở, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xảy sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.

Doanh nghiệp “quên” hoàn nguyên

Để thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, năm 2014, tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cho Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam với diện tích gần 15 héc ta. Mỏ đất này hết thời hạn cấp phép từ năm 2018. Thế nhưng doanh nghiệp này đã “chạy” khỏi địa phương và cố tình “quên” luôn cam kết hoàn thổ, phục hồi nguyên trạng môi trường, để lại đồi núi nham nhở trong 6 năm qua khiến người dân địa phương bức xúc.

mo4.jpg
Doanh nghiệp lấy đất để lại hố sâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở mỏ đất thôn Châu Mỹ, xã Bình Qúy, huyện Thăng Bình

Ghi nhận thực tế tại khu vực mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, cả một vùng đối núi hàng nghìn m2 đã bị cày xới, có nhiều mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét đọng nước khiến ai nấy đều thấy bất an , dễ rơi xuống hố sâu. Không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm, người dân khu vực này còn mất tư liệu sản xuất vì đất bị hoang hóa, khô cằn, không thể cải tạo, trở thành những vùng “đất chết”.

Theo tìm hiểu, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam sau khi trúng thầu mỏ đất tại thôn Châu Mỹ đã ủy quyền cho Công ty Hoàng Lộc khai thác đất phục vụ thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Năm 2018, dự án cao tốc hoàn thành nhưng doanh nghiệp này mới hoàn thổ được khoảng 2 ha rồi rời khỏi địa phương khi mới nộp khoảng 1,8 tỷ đồng trong tổng số 3 tỷ đồng tiền ký quỹ để thực hiện khôi phục, hoàn thổ. Sau đó, Công ty Hoàng Lộc phá sản nên việc hoàn thổ không thực hiện được.

mo6.jpg
Một vùng đối núi nham nhở, đất đai bị hoang hóa sau khi doanh nghiệp lấy đất mà quên hoàn nguyên ở thôn Châu Mỹ

Theo ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) việc công ty không hoàn thổ là đúng. Sau khi hết hạn khai thác Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định. Do đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 5744/UBND-KTN ngày 10/10/2018 cho phép UBND huyện Thăng Bình sử dụng số tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần đã nộp để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Tiếp đó, vào ngày 8/6/2023, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-STNMT về phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình tại thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình do UBND xã Bình Quý thực hiện.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý, huyện Thăng Bình đến năm 2023 mới có quyết định đóng cửa mỏ xong và thực hiện đấu thầu qua mạng. Công ty 19/5 ở Đà Nẵng trúng thầu với tổng nguồn vốn 1,6 tỷ để san lấp, hoàn thổ. Hiện chính quyền địa phương đã thương thảo và sắp tới sẽ san lấp nhưng không thể san lấp như nguyên trạng được. Chỉ san lấp cục bộ một số điểm sâu để không gây nguy hiểm cho người và gia súc, đảm bảo mặt bằng cho việc trồng cây.

Tương tự, tại khu vực Nổng Bồ, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, gần đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi một khu vực rộng lớn bị đào xới, múc đất. Những quả đồi bị khoét sâu lấy đất, chỉ còn trơ lại những tảng đá lớn và xuất hiện nhiều hố sâu, không rào chắn.

mo3.jpg
Những mỏ đất nham nhở bị doanh nghiệp khai thác nhưng không hoàn thổ cạnh đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, khu vực này các doanh nghiệp đã hết giấy phép khai thác đất nhiều năm nay. Lúc trước doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất phục vụ dự án đường cao tốc trên và một số công trình khác trên địa bàn. Địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên về việc hoàn thổ, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ đất.

Tiềm ẩn nhiều mối lo

Tình trạng khai thác đất không hoàn thổ khá phổ biến tại tỉnh Quảng Nam. Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Duy Xuyên, tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn huyện có tổng cộng 18 đơn vị đã hết giấy phép khai thác, đang giai đoạn hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Trong đó, Công ty TNHH Tuấn Trí đã nộp đề án đóng của mỏ cho Sở TN&MT thẩm định. Riêng đối với Công ty TNHH xây dựng và thương mại Duy Nguyễn (đã có Công văn số 211/UBND-TNMT của UBND huyện đôn đốc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường); Công ty TNHH xây dựng Công trình Giao thông 4- CTCP (đã có Công văn số 213/UBND-TNMT của UBND huyện đôn đốc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường). Tuy nhiên, 2 đơn vị này chưa nộp đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho Sở TN&MT.

mo2.jpg
Nhiều doanh nghiệp quên hoàn nguyên, trồng rừng, phục hồi môi trường sau khai thác tại Quảng Nam

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu, làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ. Tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác xảy ra khá phổ biến khiến dư luận bức xúc. Đáng nói là việc chậm hoàn thổ, không hoàn nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân xung quanh những khu vực này.

Ông Trần Văn Mãi, ở thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý cho biết: “7 năm trước, tôi nhận hơn 100 triệu tiền hỗ trợ đền bù rồi giao 7 ha đất rừng cho địa phương bàn giao cho doanh nghiệp khai thác đất làm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thế nhưng khi dự án án này hoàn thành, doanh nghiệp rơi khỏi địa phương để lại vùng đất bị cày xới, nham nhở đất đá và một số khu vực tạo hố sâu hàng chục mét

Doanh nghiệp né tránh phục hồi môi trường sau khai thác đất đã diễn ra nhiều năm khiến người dân ở đây phải sống trong cảnh lo lắng vì vào mùa mưa bão nguy cơ xảy ra lở đất đá rất cao đe dọa tính mạng người dân”, ông Mãi nói.

mo1.jpg
Chính quyền xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên để bảng cấm tại khu vực mỏ đất.

Ông Phan Hà, cho biết thêm, với các những trường hợp một số doanh nghiệp đã hết hạn khai thác nhưng không thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản thì ngày 18/1/2023, Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh tại Báo cáo số 40/BC-STNMT và ngày 2/2/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 503/UBND-KTN.

Trong đó, Sở đã có hướng dẫn cụ thể, đối với các đơn vị khai thác đã giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và các đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ khoáng sản theo yêu cầu: giao UBND các huyện, thị xã lựa chọn đơn vị có đủ năng lực khảo sát, lập, trình UBND cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản từ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị đã nộp và nguồn vốn do ngân sách địa phương bố trí (đối với kinh phí còn thiếu) để đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Chậm hoàn thổ sau khai thác mỏ, dân gánh hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO