Quảng Nam: Biển “ngoạm bờ”, hàng chục nhà dân chênh vênh bên mép nước

Võ Hà| 14/04/2021 11:03

(TN&MT) - Bờ biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang bị sạt lở nghiêm trọng, nước biển xâm thực sâu vào bờ. Nhiều ngôi nhà nằm sát chân sóng, “chực chờ” nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Những ngày này, tranh thủ thời gian không đi biển, ông Nguyễn Tiến Hồng, trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành lại bận rộn với việc đóng cọc tre xuống bờ biển. Dãy cọc được ông đóng san sát xuống nền cát, rồi trải bạt lên trên và đổ đất đá tạo thành bức tường chống sạt lở.

“Tôi đã mua hơn 250 cây tre, giá mỗi cây 50 ngàn đồng, rồi thuê người cưa mỗi cây tre thành từng đoạn 3m và vót nhọn rồi dùng búa đóng xuống nền cát, qua đó tạo thành bờ kè dài hơn 30m. Sống trong cảnh "sóng vỗ bờ, sạt lở diễn ra hàng ngày", nếu không dựng tạm bức tường cọc tre thì chỉ cần một đợt sóng lớn sẽ đánh bay ngôi nhà, hết nơi sinh sống” – ông Hồng tâm sự.

Sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển xã Tam Tiến

Tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Năm 2020, do ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão, bờ biển càng bị xâm thực nặng hơn. Hơn 3km bờ biển đã bị xâm thực vào bờ khoảng 20m. Người dân sống ở khu vực này luôn thấp thỏm lo âu một ngày nào đó sóng sẽ cuốn đi tất cả tài sản của họ.

Ông Trần Văn Tiên, trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến cho biết, mấy năm biển chỉ ăn sâu vào vài mét rồi bồi lấp lại nhưng sau các đợt bão vừa rồi, bờ biển bị đánh tan hoang, nhiều nơi tạo thành hàm ếch cao 3-5m. Những ngày sau bão, nhiều người dân phải tự bỏ tiền để thuê các xe chở đất đá, hoặc đóng cọc tre, tôn xi măng để gia cố bờ cát. Nhưng hiện chỉ có các cơ sở nước đá gần ngay sát nơi sạt lở còn trụ lại để sản xuất, nhiều hộ dân lo ngại sạt lở sẽ tiếp diễn nên đã sơ tán đến nhà người quen ở tạm.

Sóng biển xâm thực đánh sập nhiều hàng quán sát bờ biển

“Tôi và các hộ dân ở khu vực này tự bỏ tiền mua tre hoặc đá, tôn xi măng đem về gia cố lại bờ biển. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở bờ biển này chỉ có biện pháp xây kè cứng” - ông Đồng chia sẻ.

Những trận bão liên tiếp cuối năm ngoái cũng khiến khu vườn, chăn nuôi của nhà bà Đoàn Thị Thu Hiệp (65 tuổi), trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến bị đổ sập, cuốn trôi ra biển. Bà Hiệp cho biết, trước đây, khu vườn của gia đình bà rộng hàng chục mét vuông, thế nhưng qua vài cơn bão năm ngoái, nước biển đã ăn sâu vào trong vườn hơn 3 m làm đổ sập chuồng nuôi heo cùng nhiều cây cối trôi theo dòng nước.

“Ngôi nhà của tôi luôn chực chờ sụp đổ bất cứ lúc nào, đêm cũng không dám ngủ sâu, cứ thấp thỏm không yên. Mấy năm gần đây biển động nên sóng đánh khá cao, nhiều đợt tiến gần sát điểm sạt lở cũ. Chỉ mong có giải pháp cấp bách giúp người dân” – bà Hiệp kiến nghị.

Sóng biển làm hàng dương liễu sát biển bật trơ gốc

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, qua khảo sát, bờ biển xã Tam Tiến sạt lở dài khoảng 3km, ăn sâu vào trong bờ khoảng 20m, trung bình mỗi năm bờ biển bị sạt lở vào 5m, qua đó đe dọa đến 50 ngôi nhà của các hộ dân nằm dọc khu vực ven biển. Hiện tại chính quyền xã Tam Tiến đã báo cáo sự việc này lên UBND huyện Núi Thành cũng như UBND tỉnh Quảng Nam để xin hỗ trợ xây dựng một tuyến kè kiên cố giúp bà con ổn định cuộc sống.

Người dân đóng cọc, sửa chữa nhà cửa do sóng biển làm hư hỏng

Quảng Nam có đường bờ biển 125km, những đợt mưa bão liên tiếp cuối năm 2020 gây sạt lở hàng km bờ biển. Ngoài thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành), bãi biển Cửa Đại, An Bàng, Thịnh Mỹ (TP Hội An) và bãi biển Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) cũng bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh kế của người dân.

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước vào mùa mưa bão, người dân tại ven biển Quảng Nam mong muốn sớm có biện pháp kè biển, khắc phục hiệu quả tại các điểm sạt lở để đảm bảo đời sống và an sinh cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Biển “ngoạm bờ”, hàng chục nhà dân chênh vênh bên mép nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO