Theo đó, quy định được áp dụng ở những địa bàn quy hoạch trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đối với những khu vực chưa có trong quy hoạch trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, kinh doanh du lịch sinh thái, các địa phương, đơn vị liên quan có văn bản báo cáo UBND tỉnh để xem xét trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện, đồng thời tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung vào quy hoạch.
Quy định nêu rõ, thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tối đa là 25 năm; thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh tối đa là 40 năm; thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái tối đa là 50 năm. Sau khi hết thời hạn thuê môi trường rừng, trường hợp cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức có nhu cầu tiếp tục thuê; đồng thời trong quá trình sử dụng rừng đã chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng phù hợp với quy hoạch thì được xem xét ưu tiên để tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê, nhưng không quá 20 năm.
Về mức giá cho thuê, thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ: 400.000 đồng/ha/năm (tính tương đương với đơn giá khoán bảo vệ rừng phổ biến tại các huyện miền núi); Thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái: mức giá thuê được tính bằng 2% doanh thu; trường hợp mới đầu tư, đi vào hoạt động được miễn tiền thuê trong 03 năm đầu; Mức giá quy định nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp có 01 tổ chức, cá nhân đề nghị được thuê môi trường rừng. Nếu có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng tại một địa điểm thì giá cho thuê môi trường rừng được quyết định thông qua đấu giá; Trong quá trình thực hiện, khi mức giá khoán bảo vệ rừng phổ biến tại các huyện miền núi thay đổi hoặc có quy định, hướng dẫn mới của Trung ương về thuê môi trường rừng thì mức giá cho thuê môi trường rừng sẽ được điều chỉnh theo giá mới.