Quảng Nam: An tâm trong những ngôi nhà tránh lũ

Lan Anh| 18/10/2019 10:45

(TN&MT) - Tìm cách thích nghi với thiên tai bão lũ, với phương châm 4 tại chỗ, tại những vùng lũ Điện Bàn, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã dần hình thành những ngôi nhà tránh lũ.

Chủ động ứng phó

Mỗi mùa mưa lũ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nề do rốn lũ nằm ven hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Ám ảnh với những cái chết thương tâm do đói rét và cảnh chạy lụt nên hàng thế hệ người dân Quảng Nam đã bắt đầu tìm những vùng đất cao ráo để xây nhà tránh lũ.

Gia đình chị Trần Thị Bích, ở thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế khó khăn nên không có tiền để tu sửa hay xây nhà mới kiên cố, mẹ con chị sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Mùa mưa lũ về, gia đình chị phải qua nhà người thân trú tránh hoặc phải sơ tán đến khu vực cao hơn. Bởi nước ngập vô nhà ngang đến cổ, leo lên nóc nhà cũng sợ rơi xuống nước. Mới đây, gia đình chị được nhà nước, các nhà hảo tâm, tổ chức phi Chính phủ và địa phương hỗ trợ hơn 90 triệu đồng, chị Bích vay mượn thêm xây được nhà tránh lũ vững chắc. Giờ đây trong ngôi nhà mới xây, chị Bích đã an tâm con cháu có chỗ ấm êm mà yên tâm làm việc.“Ngôi nhà tránh lũ được thiết kế gác lửng kiên cố, với kinh phí hơn 150 triệu đồng. Có căn nhà mới, gia đình không còn lo lắng chạy lũ, bão nữa.”– chị Bích chia sẻ.Hiện nay, tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hơn 60 căn nhà chống lũ đạt tiêu chuẩn. Đây là những gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở kiên cố và ở vùng thấp trũng đã được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở, phòng tránh bão lũ khu vực miền Trung. Ông Trần Công Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ khẳng định, mô hình nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại địa phương bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Vào mùa mưa lũ, UBND không phải di dời dân, tạo điều kiện rất lớn đối với địa phương, giảm thiểu rủi ro thiên tai.Cần nhân rộng Trong khi công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, chính quyền và người dân ở một số nơi còn có tư tưởng chủ quan, thụ động, ý thức xây dựng mô hình nhà tránh lũ của người dân nơi đây phát huy hiệu quả khá tốt. Được biết, để có ngôi nhà tránh lũ, các hộ này được nhà nước và tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng nhiều nguồn hỗ trợ khác để nâng tầng nhà ở hiện có, hoặc xây mới đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng, với diện tích tối thiểu 10m2. Trên cơ sở mẫu thiết kế của Sở Xây dựng, các hộ vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của gia đình. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng chỉ mang tính động viên, cái chính vẫn là tinh thần chủ động ứng phó của cộng đồng khi đối diện với sự khốc liệt của thiên tai.Ở các vùng rốn lũ tại Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên… người dân cũng đã  đầu tư xây dựng nhà tránh lũ và phục vụ rất hiệu quả trong việc tránh bão lũ.  Ngoài ra, những căn nhà mới kiên cố, có gác lửng đã giúp nhiều gia đình khó khăn bảo vệ tính mạng, tài sản không còn thấp thỏm trong mùa mưa lũ. Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, xây dựng nhà tránh lũ cho người nghèo ở vũng trũng cần sự quan tâm hỗ trợ của cả cộng đồng để tăng khả năng chống chịu với thiên nhiên, nâng cao tính chủ động cho người dân khi ứng phó với sự bất thường của thời tiết.

Vào mùa mưa lũ, tỉnh Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng do nằm ven hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn

“Chương trình nhà chống lũ được Bộ Xây dựng triển khai trên địa bàn. Mặc dầu quy mô nhỏ nhưng với phương thức là có trụ, dầm, giàn có sàn. Từ khi có chương trình nhà tránh lũ hầu như các vùng rốn lũ đều giải quyết cơ bản vấn đề chống lũ. Chúng tôi mong muốn Trung ương nên tiếp tục triển khai và nhân rộng chương trình này.”- Ông Trần Úc kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: An tâm trong những ngôi nhà tránh lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO