Trước đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa mua lũ năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1956/STNMT-CCMT ngày 18/9/2020 gửi các sở, ngành, địa phương liên quan và các cảng sông, biển về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó nguy cơ sự cố tràn dầu trong mùa mưa bão và Công văn số 1957/STNMT-CCMT ngày 18/9/2020 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban quản lý Khu kinh tế về tăng cường công tác vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão.
Rác thải dồn ứ sau mưa lũ. |
Sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn Quảng Bình, rác thải được người thu gom, tập kết lên đến hàng nghìn tấn, kể cả xác chết động vật. Lượng rác thải “khổng lồ” dồn ứ tại các khu dân cư, điểm tập kết gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo Báo cáo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, tổng lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về các bãi rác để xử lý trong đợt lũ vừa qua ước tính khoảng hơn 15.400 tấn (tăng gấp 4 đến 5 lần so với ngày thường), cụ thể: huyện Lệ Thủy khoảng 2.000 tấn; huyện Quảng Ninh khoảng 3.000 tấn; huyện Bố Trạch khoảng 7.000 tấn; huyện Quảng Trạch khoảng 1.200 tấn; huyện Tuyên Hóa khoảng 300 tấn; huyện Minh Hóa khoảng 146 tấn; thị xã Ba Đồn khoảng 800 tấn và thành phố Đồng Hới khoảng 965 tấn.
Rác thải dạt vào bờ biển hàng chục tấn. |
Do vậy, ngay sau khi nước lũ rút Sở Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương về các địa phương nắm bắt tình hình, tham mưu cho UBND tỉnh về các phương án kịp thời thu gom, xử lý rác thải phát sinh sau mưa lũ, đồng thời hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải tận các địa phương.
Trong đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các huyện chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, trường học và lực lượng quân đội…đồng loạt ra quân làm công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, bùn đất tại các khu vực công cộng, công sở, trường học, khơi thông cống rãnh, kiểm tra, thu gom xác gia súc, gia cầm chết để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công tác thu gom, xử lý rác thải được triển khai ngay sau khi nước lũ rút. |
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các công trình công cộng, Công ty Cổ phần môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình và các đơn vị làm dịch vụ thu gom rác đã tăng cường tối đa nhân lực, phương tiện, tăng tần xuất thu gom, vận chuyển rác về các bãi rác để xử lý; đồng thời tăng cường phun chế phẩm sinh học tại các điểm trung chuyển, tập kết rác, các điểm xử lý rác thải nhằm tăng hiệu quả xử lý rác thải, giảm thiểu phát sinh ô nhiễm môi trường.
Xử lý hóa chất tránh lấy lan dịch bệnh tại các điểm có xác chết động vật. |
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Quảng Bình, cho biết: “Nhìn chung, công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý bùn đất, rác thải, xử lý gia súc, gia cầm chết sau lũ lụt lịch sử vừa qua đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, đồng loạt ra quân thực hiện. Các địa phương đã chủ động nguồn nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện và đã có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương, đơn vị để triển khai các hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương sau lũ lụt”.
Sở TN&MT Quảng Bình phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều đợt thu gom rác thải. |
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Hào đến nay tại một số địa phương cho thấy, lượng rác thải vẫn đang còn tồn động tại các điểm tập kết, trung chuyển rác, nếu không được vận chuyển kịp thời dễ phát sinh ô nhiễm môi trường, có thể sẽ lây lan mầm bệnh.
“Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh sau lũ lụt, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo các địa phương tiếp tục huy động lực lượng để tiến hành làm vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải còn tồn động sau lũ, hạn chế để tồn động lâu ngày dễ phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu bãi rác quá tải huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy xử lý khử khuẩn, lu lèn lớp đất đúng quy định. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các điểm chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm chết để kịp thời gia cố, xử lý, không để sụt lún, sạt lỡ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp”.
Nhiều phương tiện được huy động để vận chuyển rác thải đến điểm tập kết rác đúng quy định. |
Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, ra soát, chỉ đạo, tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi… để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Đề nghị Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình tiếp tục bố trí phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong việc vận chuyển rác về các bãi rác để xử lý khi có đề xuất của các địa phương.
“Sau mưa lũ, vùng ngập lụt thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã tiến hành mua ứng trước 2,765 tấn hóa chất Cloramin B và 4,0 tấn PAC (phèn nhôm - chất trợ lắng), chuyển về cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời cấp phát cho người dân khi lũ rút. Lập các tổ công tác về các địa phương, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống một số xã trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý khử khuẩn nước giếng đảm bảo an toàn cho sử dụng”.