Biến đổi khí hậu

Quảng Bình, Quảng Trị chủ động ứng phó tác động của ATNĐ

Thanh Tùng 18/09/2024 - 17:24

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị địa phương ngay từ bây giờ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”.

Ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh đã chủ trì buổi họp nhằm rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng PCTT, TKCN mùa mưa bão năm 2024.

Thông tin tại cuộc họp, Đài KTTV tỉnh Quảng Bình cho biết, từ ngày 16/9 đến tháng 11/2024 có khoảng 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, trong đó có 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, một vùng thấp ở phía Đông Philippines đã mạnh lên thành ATNĐ, di chuyển theo hướng Tây, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6 - 7, có khả năng mạnh lên thành bão và sẽ ảnh hưởng đến đất liền tỉnh Quảng Bình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 164 điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Về hiện trạng các công trình hồ, đập thì có 35/151 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó 2 hồ không được phép tích nước là Dạ Lam và Hóc Chọ; các hồ chứa còn lại cơ bản bảo đảm an toàn.

8(1).jpg
Nhiều cơ quan tỉnh Quảng Bình chuẩn bị ứng phó bão/ATNĐ

Trên địa bàn tỉnh có 16 đập đang được triển khai thi công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, hồ chứa nước; mực nước của các hồ chứa đạt khoảng 28% dung tích thiết kế. Đối với với công trình đê, kè, toàn tỉnh có hơn 280 km đê với 220 cống và 10 cống tràn qua đê, qua kiểm tra các điểm xung yếu đã được xử lý tạm thời, không có các điểm xung yếu có tính nguy cơ cao; có 9 công trình đê, kè đang thi công, trong đó 2 công trình là kè biển.

Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, hiện, lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, còn 2.990 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đang thả nuôi và hơn 2.340 lồng, bè nuôi trên sông. Ngoài ra, toàn tỉnh có 7.313 phương tiện tàu, thuyền với 18.979 lao động.

Phát biểu tại buổi họp, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Trần Thắng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị địa phương ngay từ bây giờ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó, PCTT và TKCN, quán triệt phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

Trước mắt, các cấp, ngành cần chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 4, ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình; tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác PCTT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ huy, điều hành ứng phó, PCTT, đặc biệt ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền, xà lan vào nơi tránh trú an toàn, hướng dẫn neo đậu, không để xảy ra thiệt hại do va đập, cháy nổ; tăng cường rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán, di dời sớm người dân đến nơi an toàn...

Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển, cửa sông; sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các công trình, hệ thống đê, kè, cầu cống…

Tại Quảng Trị, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn trong đó: Tổng dung tích các hồ chứa Thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý còn khoảng 30,41% so với dung tích thiết kế, hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện còn khoảng 28,57% so với dung tích thiết kế.

6.jpg
Ngư dân Quảng Trị chằng chéo tàu thuyền ứng phó bão/ATNĐ

Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024, đến thời điểm hiện nay các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Quảng Trị hiện có 7 công trình đang triển khai thi công (cụ thể có danh mục kèm theo). Tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư đã rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.

Về tình hình tàu thuyền, tỉnh hiện có 2.270 chiếc/5.971 thuyền viên, đã vào neo đậu an toàn tại các bến. Có 72 chiếc/513 thuyền viên của các tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó ATNĐ, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 17/9/2024 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành Công văn số 100/VP-PCTT ngày 16/9/2024 về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Trong đó, chú trọng công tác: Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thiên tai; theo dõi, kiểm kê, quản lý tàu thuyền và rà soát lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Theo Trung tâm Dự Báo KTTV Quốc gia, do tác động của ATNĐ, từ chiều ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Mưa lớn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21/9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình, Quảng Trị chủ động ứng phó tác động của ATNĐ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO