Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Báo cáo của UBND huyện Minh Hóa cho biết, trong năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mục tiêu giảm nghèo của huyện đạt gần sát so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Các chế độ, chính sách giảm nghèo được giải quyết cơ bản kịp thời, đúng quy định. Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, đã có nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, phát huy dân chủ và tính chủ động của người dân.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, điều đáng mừng là nhận thức của một bộ phận người nghèo, người cận nghèo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Riêng năm 2022, trên địa bàn toàn huyện có 5 hộ làm đơn xin thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, thị trấn Quy Đạt có 2 hộ xin từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo; xã Trung Hóa có 2 hộ xin từ hộ nghèo lên thoát nghèo; xã Yên Hóa có 1 hộ xin từ hộ cận nghèo lên thoát nghèo. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm hơn 17%, giảm 6,5% so với năm 2021.
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn trong huyện làm mới 27 nhà, sửa chữa 5 nhà Đại Đoàn kết với số tiền 1,5 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất (mô hình vườn mẫu) cho 4 hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng. Kêu gọi, vận động Quỹ vì người nghèo số tiền 637 triệu đồng (trong đó, cấp huyện: 442 triệu đồng; cấp xã 195 triệu đồng). Thực hiện hỗ trợ 8 nhà phao tránh lũ cho 8 hộ dân tại xã Minh Hóa với số tiền 256 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện dự án hỗ trợ vốn quay vòng cho 25 hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại xã Tân Hoá với số tiền 500 triệu đồng; khánh thành và bàn giao 3 “Mái ấm tình thương” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 280 triệu đồng; kết nối thăm, tặng 592 suất quà cho hội viên và trẻ em nghèo, với số tiền 326,7 triệu đồng; xây dựng 16 mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu rác thải nhựa giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” tại các xã Xuân Hoá, Yên Hoá, Tân Hoá, Minh Hoá, Hoá Thanh, Hoá Hợp, Hoá Tiến, Trung Hoá và thị trấn Quy Đạt,....
Đặc biệt, 31 mô hình sinh kế hiệu quả cao được hỗ trợ như: chăn nuôi gà tại xã Dân Hóa, Thượng Hóa và Trung Hóa; chăn nuôi lợn tại xã Xuân Hóa, Hóa Phúc; trồng ổi tại xã Thượng Hóa, Hóa Sơn; trồng bưởi tại xã Hóa Hợp, Yên Hóa… Riêng năm 2022, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đã thực hiện 22 chương trình tín dụng ưu đãi cho 11.533 lượt hộ vay vốn, với tổng số tiền 492.553 triệu đồng.
Phấn đấu 70% người nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong những năm qua, tuy nhiên UBND huyện Minh Hóa cũng thừa nhận, công tác giảm nghèo bền vững còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, tỷ lệ nghèo đa chiều vẫn còn cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng cao so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cơ bản vẫn đang tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Việc thay đổi tư duy của phần đông đồng bào dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh đó, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa Nguyễn Thanh Bình cho biết, huyện phấn đấu cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,0%, tương đương giảm 425 hộ nghèo; số hộ nghèo còn lại: 2.121 hộ, tỷ lệ 14,99%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 4,54%, tương đương giảm 643 hộ. Huyện cũng phấn đấu 100% xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm; 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Nhằm đạt được mục tiêu về giảm nghèo như trên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt nhấn mạnh, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất; hướng dẫn hộ nghèo có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; triển khai các mô hình hợp tác, liên kết với giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phía Tây giáp nước bạn Lào với 89 km đường biên giới, phía Bắc giáp huyện Tuyên Hoá, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Bố Trạch. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 1.410 km2. Dân số huyện trên 49 nghìn người, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người, tập trung ở các xã biên giới (Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn).