Quảng Bình: Người dân tố chính quyền không làm hết trách nhiệm bảo vệ rừng?
Phản ánh đến phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hữu Chính và một số người dân tại thôn 5, xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho rằng, chính quyền xã Xuân Trạch đã không làm hết trách nhiệm khi để cho một hộ dân ở thôn 4 cùng xã chặt phá khu rừng đầu nguồn bảo vệ nguồn nước của thôn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Rừng đầu nguồn nước bị phá
Theo đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Quảng Bình của ông Nguyễn Hữu Chính (có chữ ký của nhiều người dân tại thôn 5, xã Xuân Trạch), từ nhiều đời nay, người dân sinh sống trên địa bàn thôn 5 và khu dân cư lân cận vẫn sử dụng nguồn nước tự nhiên để sinh sống (khe máng nước thôn 5). Từ khi có Dự án trồng rừng (Quyết định 327-CT) phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khu rừng nguồn nước nằm trong Dự án và được phân cho một số hộ thuộc dân cư thôn 4 và thôn 5 cùng thực hiện trồng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nói trên.
Nhằm bảo tồn nguồn nước ngày càng cạn kiệt, hằng năm, chính quyền thôn 5 đã huy động người dân trong thôn trồng bổ sung các loài cây bản địa như chuối, tre để bảo vệ hệ sinh thái của vùng đầu nguồn này. Nhưng từ khoảng năm 2010 trở lại đây, một số hộ dân thôn 4 được giao đất rừng đầu nguồn đã không thực hiện đúng chủ trương trồng rừng của Dự án, chặt phá khu rừng bảo vệ nguồn nước trên vô tội vạ.
“Sự việc này, dân chúng tôi đã có ý kiến mỗi lần đại diện HĐND xã về họp tiếp xúc cử tri tại thôn, mong có hướng xử lý nhằm hạn chế việc phá rừng, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh sống của nhân dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ giải thích chung chung, chứ không triển khai thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ khu rừng đầu nguồn”, ông Nguyễn Hữu Chính cho biết.
Mới đây, đầu tháng 6/2024 ông Nguyễn Thanh Bình, người dân thôn 4 được nhận chuyển nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Chẵn (bố của ông Nguyễn Thanh Bình) đã chặt phá một số cây lim của Dự án và chặt hạ một số cây tự nhiên trong khu vực đầu nguồn. Có cây cao to, đường kính trên 35cm. Tối ngày 20/6/2024, họp tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh lại sự việc này, nhưng ông Cao Thế Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch đã trả lời rằng: “Đó là những cây lim bị gãy đọt, bị sâu bệnh nên cho máy múc phá đi”.
“Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chỉ đạo các biện pháp hữu hiệu, nhằm chấm dứt tình trạng phá rừng đầu nguồn nói trên”, ông Chính nói.
Cùng quan điểm với ông Chính, ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5 cũng cho biết, khu rừng đầu nguồn nước đã được người dân thôn 5 bảo vệ từ mấy chục năm nay. Người dân cũng cử người trông coi, bảo vệ nguồn nước từ khe máng này để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khu vực lân cận. Ông Hòa mong muốn khu rừng đầu nguồn được bảo vệ, tránh việc chặt phá như hiện nay.
Ngày 24/7/2024, có mặt tại khu vực rừng bị ông Nguyễn Thanh Bình chặt phá vào đầu tháng 6/2024 theo phản ánh của người dân, phóng viên nhận thấy nhiều cây gỗ bị chặt ngã ngổn ngang, thân cháy đen do bị đốt. Khu vực bị chặt phá, ông Nguyễn Hữu Chính ước tính, rộng khoảng 5.000 m2. Diện tích này hiện đã được gia đình ông Nguyễn Thanh Bình trồng lứa keo mới, cây non mọc được khoảng 20-30 cm. Nhiều cây gỗ sau khi bị chặt được dọn dẹp ra ven khu vực trồng cây. Các loại cây có thể được tìm thấy như lim, khế, xoan và nhiều cây gỗ tạp khác. Nhiều gốc cây bị chặt có đường kính khoảng 20-30cm.
Chính quyền nói việc khai thác rừng là đúng
Làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết, năm 2000, theo chủ trương giao đất giao rừng cho người dân thì ông Nguyễn Văn Chẵn được giao một thửa đất tại thửa đất số 10, tờ bản đồ số 30 như hiện nay. Năm 2001 được UBND huyện Bố Trạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2001 đến năm 2008 vẫn giữ nguyên hiện trạng rừng. Năm 2009 thực hiện cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được dự án hỗ trợ giống cây keo để trồng.
Sau khi được hỗ trợ cây keo giống, ông Nguyễn Văn Chẵn đã phát thực bì và trồng cây keo trên một phần diện tích đất đã cấp với diện tích 1,01 ha. Trồng cây lim trên diện tích 4,0313 ha, phần diện tích còn lại 2,095 ha đất trống. Năm 2013, do bão làm gãy đổ cây keo nên ông Nguyễn Văn Chẵn đã tiến hành thu hoạch và trồng lại cây keo. Năm 2018, sau khi thu hoạch vụ keo đã trồng từ năm 2013, do tuổi cao sức yếu nên ông Nguyễn Văn Chẵn giao cho con là ông Nguyễn Thanh Bình tiếp tục sử dụng.
Theo ông Cao Thế Vĩnh, ngày 14/6/2024, sau khi thu hoạch keo xong, ông Nguyễn Thanh Bình tiến hành làm đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Quá trình làm đường băng cản lửa ông Nguyễn Thanh Bình đã cắt 4 cây lim đường kính 7-21 cm, 1 cây xoan đường kính 20 cm, 1 cây khế có 5 nhánh đường kính 17 cm, 1 cây lành ngạnh đường kính 19 cm, 5 cây gỗ tạp đường kính 7-30 cm. Trên khu vực thu hoạch cây keo có một số cây rừng tự nhiên mọc rải rác không có giá trị cũng đã cắt bỏ. Tất cả các cây cắt hạ đã bị gãy đỗ, cụt ngọn, công queo hiện để tại hiện trường.
Ông Vĩnh khẳng định, việc gia đình ông Nguyễn Thanh Bình khai thác, sử dụng diện tích đất nói trên là đúng quy định. Diện tích rừng bị phá thuộc đất rừng sản xuất mà ông Bình đã được cấp Giấy chứng nhận; diện tích rừng bị phá cũng không được quy hoạch là rừng đầu nguồn.
Về kiến nghị của người dân liên quan đến việc phá rừng gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, ông Cao Thế Vĩnh cho biết, hiện nay UBND xã đã đầu tư nâng cấp xây dựng hệ thống cấp nước từ khe cửa Cổng và Khe Trạ về đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân của 5 thôn khu vực Khe Gát. Nên tại khu vực nguồn nước tại lô 2310 khoảnh 1 tiểu khu NTK1 thửa đất số 10 tờ bản đồ 30 (khe máng nước thôn 5), UBND xã không sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho người dân nữa. Hiện chỉ có vài hộ tự sử dụng để tắm giặt, còn nguồn nước dùng để nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày thì vẫn lấy từ công trình nước sạch của xã.
Ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch cho biết, công tác điểu tra, kiểm kê rừng trên địa bàn thời gian qua còn nhiều khó khăn, chưa có đủ cơ sở dữ liệu để cập nhật loại rừng. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người dân cũng không mô tả cụ thể hiện trạng các loại rừng nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Về vụ việc kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Chính và một số người dân thôn 5, xã Xuân Trạch, ông Ngãi cho biết, ngay sau khi có phản ánh, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, có biên bản làm việc. Tuy nhiên, để có thông tin đầy đủ hơn, có lẽ những ngày tới huyện Bố Trạch sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xác minh cụ thể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thửa đất của ông Nguyễn Văn Chẵn được UBND huyện Bố Trạch đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 152826 ngày 30/11/2009 có diện tích 71.363 m2 (hơn 7,1 ha). Điều đáng nói là, Giấy chứng nhận ghi nhận hơn 7,1 ha này đều là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo hiện trạng sử dụng đất trên thửa đất này của các cơ quan chức năng huyện Bố Trạch lại cho thấy, trong hơn 7,1 ha diện tích đất nêu trên có 1,01 ha trồng cây keo, 4,0313 ha rừng tự nhiên, 2,095 ha đất trống.
Việc “khập khiễng” giữa nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất đang gây nhiều “rủi ro” cho công tác quản lý rừng. Điều này có nguy cơ dẫn đến 4,0313ha rừng tự nhiên bị chặt phá bất cứ lúc nào, khi Giấy chứng nhận cấp là đất rừng sản xuất!
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường: