Quản lý, xử lý nước thải, rác thải ở Việt Nam theo hướng phát triển kinh tế gắn với BVMT

Mai Đan| 24/10/2019 05:39

(TN&MT) - Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường liên quan đến nước thải và rác thải. Trong bối cảnh suy thoái môi trường gây nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển kinh tế mà không hủy hoại môi trường.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Quốc Lập, Trưởng Khoa Hóa và Môi trường của Trường Đại học Thủy Lợi.

PGS.TS Bùi Quốc Lập, Trưởng Khoa Hóa và Môi trường của Trường Đại học Thủy Lợi trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình quản lý và xử lý rác thải, nước thải ở Việt Nam?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Việc quản lý và xử lý rác thải cũng như nước thải ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điểm nổi bật đầu tiên phải kể đến là về thể chế chính sách. Việt Nam đã ban hành các Luật như: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Tài nguyên nước, các Nghị định, Thông tư (Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, cũng như các chính sách chiến lược về BVMT trong từng thời kỳ (Chiến lược BVMT quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030). Ví dụ, trong thực tiễn về đề xuất các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch và các dự án đều có thực hiện việc bắt buộc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo ĐTM phải được phê duyệt thì dự án mới được xem xét phê duyệt để thực hiện dự án.... Tất cả những văn bản pháp luật như vậy đã góp phần quản lý, kiểm soát chất thải, trong đó có nước thải và rác thải.

Về cơ cấu tổ chức, nước ta đã hình thành đồng bộ hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực BVMT và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác này ngày càng được nhà nước quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, tình hình ô nhiễm môi trường (liên quan đến nước thải, rác thải) trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điển hình như tình trạng ô nhiễm không khí gần đây ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội và tại TP.HCM, hay tình hình ô nhiễm nguồn nước cấp của nhà máy nước sông Đà vừa qua…

Nguyên nhân tồn tại những mặt hạn chế trên là do việc thực thi luật pháp về BVMT chưa thực sự nghiêm trong 1 số trường hợp; một số quy định của Luật vẫn ở mức khung, chưa có quy định cụ thể nên khó thực hiện trong thực tế; hạn chế về năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt ở cấp xã/phường - nơi thường trực tiếp tác động đến môi trường do các hoạt động của người dân nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp này hầu như vẫn kiêm nhiệm là cán bộ địa chính, không có chuyên môn về môi trường; nguyên nhân nữa là do hạn chế nguồn lực để đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường.

PV: Để phát triển bền vững và toàn diện về cả hai mặt kinh tế và môi trường, theo ông, công tác xử lý chất thải rắn và nước thải tại Việt Nam cần tập trung vào những yếu tố nào?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Cần phải áp dụng một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý môi trường đó là “phòng ngừa ô nhiễm hơn là xử lý ô nhiễm”. Để thực hiện nguyên tác này, đối với rác thải phải thực hiện công tác phân loại tại nguồn thành các loại rác khác nhau như rác hữu cơ, vô cơ, rác có thể tái chế... Hiện nay về mặt quy định, chúng ta đã có quy định về việc phân loại rác thể hiện trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Tuy nhiên, mới chỉ có quy định chung, chẳng hạn như rác thải sinh hoạt được phân ra làm 3 nhóm (nhóm hữu cơ dễ phân hủy, nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm còn lại), chưa có các quy định cụ thể để triển khai việc phân loại này. Thêm nữa, chúng ta cũng chưa có cơ sở vật chất đồng bộ để thực hiện việc phân loại… Do đó, cần phải ban hành các quy định cụ thể hơn về việc phân loại, giảm thiểu chất thải rắn tại nguồn trước khi đem đi xử lý. Có như vậy mới có thể tận dụng được tài nguyên rác và giảm thiểu tới mức thấp nhất các chất thải rắn phải đem đi chôn lấp hoặc đốt.

Đối với nước thải, cũng phải thực hiện nguyên tắc giảm thiểu tại nguồn, tái sử dụng nước thông qua các biện pháp như khuyến khích, nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân về việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả vì chúng ta càng sử dụng lãng phí nước thì càng tạo ra nhiều nước thải. Khi nước thải phát sinh phải có các biện pháp xử lý để tái sử dụng phù hợp để giảm thiểu lượng nước thải. Các khu đô thị, khu dân cư tập trung cần phải có hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom nước mưa....

Ngoài ra, cần thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua việc phát triển các công cụ kinh tế như là thuế, phí môi trường để có thêm nguồn thu tài trợ cho công tác BVMT.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế nhà nước cần phải có đầu tư thích đáng nguồn lực cho công tác BVMT để từng bước tăng cường tiềm lực cho công tác này như đầu tư cơ sở hạ tầng BVMT; đào tạo phát triển nguồn nhân lực BVMT; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực BVMT...

PGS.TS Bùi Quốc Lập cho rằng trong bối cảnh suy thoái môi trường gây nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển kinh tế mà không hủy hoại môi trường

PV: Ông có thể dẫn chứng những quốc gia điển hình trên thế giới có kinh nghiệm quản lý và xử lý rác thải, nước thải đảm bảo phát triển bền vững? Việt Nam có thể áp dụng được gì từ những kinh nghiệm đó?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Đối với rác thải, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, các nước Châu Âu đều áp dụng phương thức phân loại rác tại nguồn thành các nhóm phù hợp để có thể tận dụng, tái sử dụng và tái chế rác cho các mục đích khác nhau để giảm thiểu lượng rác phải đưa đi chôn lấp hoặc đốt; áp dụng các công cụ kỹ thuật tiên tiến để thu hồi các chất có giá trị từ rác thải; áp dụng các công cụ kinh tế để quản lý rác thải như các hệ thống đặt cọc – hoàn trả để thu hồi các chất thải sau sử dụng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Nước Đức là nước áp dụng thành công công cụ đặt cọc – hoàn trả để thu hồi các chai nhựa, thủy tinh sau sử dụng bằng cách khi mua hàng khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền được tính trong hóa đơn mua hàng. Khi sử dụng hết sản phẩm trong chai, lọ, khách hàng có thể đem đến trả trong các cây tự động được đặt trước các siêu thị để lấy lại tiền. Hay như các nước quy định việc phân loại rác thì họ phải sản xuất ra các loại bao bì để đựng các loại rác tương ứng để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua về đựng rác.

Đối với nước thải, các nước cũng thực hiện việc sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước thải cho các mục đích sử dụng phù hợp như tưới cây, rửa đường... Ngoài ra, các khu đô thị/khu dân cư phải có hệ thống thu gom nước thải tách riêng với nước mưa…

Tất cả những kinh nghiệm quốc tế đó Việt Nam hoàn toàn có thể học tập miễn là có quyết tâm thực hiện và có nguồn lực đầu tư tương ứng.

PV: Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng hiện nay đang diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, theo ông, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp quản lý và xử lý rác thải, nước thải như thế nào để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa BVMT?

PGS.TS Bùi Quốc Lập: Như tôi đã trao đổi ở trên, đối với rác thải, phải thực hiện tốt công tác phân loại tại nguồn, khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng đi kèm với việc đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng để có thể xử lý và tận dụng tốt chất thải sau phân loại.

Đối với nước thải, thực hiện các biện pháp để giảm thiểu lượng nước thải phát sinh phải yêu cầu xử lý thông qua các biện pháp như sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước thải.v.v.

Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng dân cư về các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn, phân loại tốt rác thải.

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác BVMT tương xứng với sự phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải; xã hội hóa công tác BVMT nói chung cũng như công tác quản lý và xử lý rác thải, nước thải nói riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, xử lý nước thải, rác thải ở Việt Nam theo hướng phát triển kinh tế gắn với BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO