Hiện Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp để ổn định tài nguyên nước, phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Giám sát nguồn tài nguyên nước
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, tài nguyên nước của tỉnh tuy phong phú, nhưng lại phân bố và biến đổi không đều theo thời gian và không gian. Tình trạng hạn hán kéo dài và ngày càng khốc liệt, nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm, nếu không có giải pháp ổn định tài nguyên nước, Quảng Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng hơn.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, người dân ở một số xã thuộc huyện Núi Thành, dù sinh sống dọc sông Trường Giang nhưng lại phải dùng nguồn nước nhiễm phèn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đánh giá, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc, Phú Ninh và TP. Tam Kỳ, đặc biệt những khu vực có thành phần thổ nhưỡng là đất cát, đất pha cát hoặc khu vực có độ sâu mực nước tĩnh thấp là nơi có nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm bẩn bởi tác nhân sinh học và chất hữu cơ.
Để khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, đặt mục tiêu đến năm 2050, mọi thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đã xây dựng ứng dụng truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó, đưa vào vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước; giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tăng cường các giải pháp
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, việc lập, triển khai quy hoạch về tài nguyên nước còn chậm dẫn đến chưa có cơ sở điều tiết nhu cầu sử dụng nước của các ngành, địa phương. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước chưa thực hiện đồng bộ, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước còn nhỏ lẻ, phân tán do nhiều ngành, nhiều đơn vị quản lý. Công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các đơn vị, tổ chức được cấp phép chưa nhiều, chưa thường xuyên.
Trong năm 2022, Sở TN&&MT tỉnh Quảng Nam đã tham mưu cấp 17 giấy phép tài nguyên nước; trình phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của 11 đơn vị với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; Quản lý và cấp 3 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Tổ chức kiểm tra chuyên đề về tài nguyên nước 3 đơn vị...
Việc thực hiện quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Chính phủ chưa được các đơn vị, tổ chức quan tâm thực hiện đầy đủ, tỷ lệ thực hiện còn quá thấp, đặc biệt là các đơn vị khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện công tác Điều tra cơ bản tài nguyên nước theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp nhận dữ liệu giám sát tài nguyên nước của các đơn vị, tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một trong những yêu cầu bắt buộc là giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải bảo đảm tính chính xác và trung thực; quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý ở trung ương, cơ quan quản lý ở địa phương và trách nhiệm của cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đồng thời, chú trọng tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước; tổ chức vận hành, lưu giữ và quản lý hiệu quả các cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Cùng với đó, áp dụng xã hội hóa về dịch vụ nước sạch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; chú trọng thanh tra, kiểm tra sử dụng tài nguyên nước, ngăn chặn các hành vi tác động tiêu cực đến nguồn nước.