Phú Yên: Khắc phục 4 nguyên dẫn đến sản lượng cá ngừ đại dương tụt giảm

04/08/2014 00:00

(TN&MT) - Tàu thuyền của ngư dân công suất nhỏ, trang thiết bị chưa hiện đại, công nghệ khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm lạc hậu, làm ăn nhỏ lẻ.

   
(TN&MT) - Vì sao nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên 2 năm gần đây giảm mạnh. UBND tỉnh và cơ quan quản lý chuyên ngành có giải pháp gì để giúp ngư dân? Đó là trăn trở đặt ra của nhiều đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI vừa qua.
   
  Phú Yên có trên 1.000 tàu cá công suất từ 90CV trở lên hành nghề khai thác hải sản xa bờ. Năm 2012, sản lượng khai thác hải sản các loại của tỉnh đạt 49.600 tấn, tăng 9,5% so với năm 2011; trong đó, cá ngừ đại dương đạt 6.050 tấn.
   
   
   
  Đến năm 2013, sản lượng khai thác hải còn 49.550 tấn, giảm 2,6%; trong đó, cá ngừ đại dương 4.529 tấn, giảm 25,8% so với năm 2012. Qua 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác hải sản chỉ còn 31.850 tấn, giảm 2% (mùa biển đánh bắt xa bờ thường diễn ra đến tháng 9 hàng năm); trong đó, cá ngừ đại dương 3.195 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
   
  Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Trúc, có 4 nguyên chính dẫn đến sản lượng khai thác hải sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương tụt giảm. Đó là tàu thuyền của ngư dân công suất nhỏ, trang thiết bị chưa hiện đại, công nghệ khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm lạc hậu, làm ăn nhỏ lẻ.
   
  Sản xuất cá ngừ ở Phú Yên mang tính đơn nghề, tức là chỉ làm nghề cầu cá ngừ đại dương theo dạng truyền thống (câu vàng), sau đó, một số hộ chuyển qua câu tay kết hợp đèn cao áp nhưng không thành công, chi phí đi, về lỗ tổn; trong khi đó, ở tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, nghề khai thác cá ngừ là kiêm nghề, tức là ngư dân kết hợp với chụp mực, lưới vây, rút chì nên bền vững hơn, không có cá ngừ đại dương vây vàng, mắt to, họ chuyển qua đánh bắt cá ngừ vằn.
   
  Thị trường giá cả bất bênh, không ổn định, chưa gắn chặt quyền lợi giữa người sản xuất và các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu, cho nên nếu có hộ nào thực hiện đúng quy trình, sản phẩm tốt hơn, nhưng giá bán cũng chênh nhau không lớn; trong đó, công sức và chi phí bỏ ra để bảo quản loại cá này tốn nhiều, do vậy tất cả đều bán xô, mua xô.
   
  Ngư dân thiếu vốn sản xuất, đóng mới, cải hoán tàu thuyền và mua trang thiết bị hiện đại.
   
   
  Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Trúc, cần chuyển biến nhận thức của ngư dân về thay đổi kiểu sản xuất truyền thống cũ, lạc hậu; tổ chức lại sản xuất, đóng tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác, xử lý bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình. Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất nhất theo chuỗi giá trị, từ khâu đầu đến khâu cuối gắn với thị trường.
   
  Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, triển khai cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ ngày 25/8/2014. Sau đó, ngày 11/7/2014, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội nghị quán triệt nghị định này; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
   
  Bài & ảnh: Phương Nam
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Khắc phục 4 nguyên dẫn đến sản lượng cá ngừ đại dương tụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO