Đó là câu chuyện của 85 hộ dân sống trong vùng dự án Khu Công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Quy hoạch định hướng phát triển các KCN tập trung tỉnh đến năm 2020 tại Quyết định số 2381 ngày 05/9/2003 được đưa vào danh mục quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1107 ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 981 ngày 01/6/2007 thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) với diện tích 106,8475ha. Trên cơ sở đó, năm 2009 Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) là khu chức năng thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712 ngày 23/10/2009 với quy mô 106ha.
Thế nhưng đến nay Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) mới chỉ kêu gọi được 02 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích 73,186ha. Trong đó 01 dự án đi vào hoạt động là dự án chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp của Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp với diện tích 39,816ha và 01 dự án đang lập thủ tục hồ sơ xin thuê đất là dự án Cụm xí nghiệp sản xuất An Hưng của Công ty CP An Hưng với diện tích 33,37ha. Phần diện tích Khu công nghiệp còn lại 32,83ha, trong đó phần đất cây xanh cách ly 12,83ha, đất xây dựng nhà máy 20ha đang tiếp tục tìm kiếm kêu gọi đầu tư.
Việc triển khai dự án chậm trễ kéo dài thời gian đã khiến cho nhiều hộ dân sống trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, tâm lý lo lắng bất an, chờ đợi dự án sớm thực hiện để người dân bắt đầu cuộc sống mới, an cư lạc nghiệp tại vùng đất mới.
Ông Đinh Mại sống tại vùng dự án ở thôn Thọ Lâm chia sẻ: “Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm và đi biển, không làm ruộng nhưng vì nằm trong vùng dự án nên dân không được cất nhà, sửa chữa lại nhà, đặc biệt là không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng làm kinh tế bởi vậy đời sống gặp nhiều khó khăn, lo lắng bất an nên không đi làm ăn xa được. Nếu dự án vẫn tiến hành thì phải bồi thường cho dân để họ sớm ổn định cuộc sống nơi ở mới còn nếu không tiếp tục làm dự án thì phải công nhận quyền sử dụng đất của dân giúp dân có điều kiện phát triển kinh tế, làm ăn nuôi sống gia đình và ổn định cuộc sống”. Một người dân khác cho biết thêm: “Trước đây khu đất này là Trường cấp 2 Hòa Hiệp Nam nhưng vì thực hiện dự án trường đã phải di dời sang nơi khác nhường đất lại cho dự án, thế nhưng 15 năm trôi qua dự án không triển khai để khu đất bỏ trống thật lãng phí gây bức xúc cho nhân dân và chính quyền địa phương”.
Về vấn đề này, Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ: “Phần diện tích thu hồi tại thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam là 97,3ha, số đối tượng bồi thường 520 đối tượng nhưng do thiếu kinh phí bồi thường nên giảm diện tích thu hồi xuống còn 86,1249ha, hiện còn 85 hộ chưa thực hiện chi trả đền bù. Để giải quyết vấn đề trên, đối với 50 hộ nằm trong phần diện tích cây xanh cách ly Khu công nghiệp, Ban quản lý sẽ phối hợp với UBND huyện Đông Hòa, UBND xã Hòa Hiệp Nam rà soát lập phương án bổ sung. Đối với 35 hộ nằm trong phần diện tích đất xây dựng nhà máy còn lại của Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) được thực hiện khi có nhà đầu tư vào đăng ký đầu tư, kinh phí bồi thường sẽ được tạm ứng từ nhà đầu tư”.
Như vậy, dự án Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 2) vẫn tiếp tục thực hiện và người dân vẫn tiếp tục chờ đợi mỏi mòn và chưa biết đến khi nào cuộc sống của người dân thôn Thọ Lâm mới được ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống tại địa phương. Tương lai của họ đều phụ thuộc vào nhà đầu tư mà UBND tỉnh Phú Yên đang kêu gọi 15 năm nay.