Phú Yên: Dân bơm, hút cát cải tạo hồ nuôi tôm, chính quyền không nhận trách nhiệm xử lý vì địa giới hành chính

05/09/2018 15:46

(TN&MT) - Phương thức nuôi tôm chìm, nuôi tôm lưới mùng không mang lại hiệu quả, tôm bị thiệt hại do bệnh tật, nhiều hộ dân nuôi tôm ở xã An Ninh Đông và xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chuyển sang nuôi tôm trên cát hay nuôi cao triều mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phương thức nuôi tôm này nảy sinh nạn bơm, hút cát cửa biển Lễ Thịnh, An Hải ồ ạt, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, sạt lở, thay đổi dòng chảy, lấn đất sản xuất, nhà dân.

Nuôi tôm cao triều tại thôn 7 xã An Ninh Đông huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Nuôi tôm cao triều tại thôn 7 xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
 

Thời gian qua, tại cửa biển Lễ Thịnh, nơi đầm Ô Loan chảy qua cầu An Hải lưu thông với biển, người dân dùng máy bơm hút cát làm hồ nuôi tôm cao triều. Cát được bơm lên để đắp bốn phía bờ, sau đó trải bạt chứa nước nuôi tôm. Trung bình mỗi hồ nuôi có diện tích khoảng 500m2. Khối lượng cát được bơm rất lớn, ước tính lên đến cả ngàn mét khối.

Việc hút cát xảy ra thường xuyên để đắp hồ và cải tạo hồ nên người dân bơm hút cát tại cửa biển Lễ Thịnh với khối lượng lớn, thậm chí có hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch lấn ra cửa biển Lễ Thịnh, nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, cồn cát giáp với biển.

Người dân ở đây cho biết, dòng nước từ cuối đầm Ô Loan chảy qua cầu An Hải rồi thoát ra biển qua cửa Lễ Thịnh. Từ cầu An Hải chạy về hạ nguồn khoảng 500m, dòng nước ngăn cách với biển bởi một cồn cát lớn chạy dọc xuống thôn 7, xã An Ninh Đông. Cồn cát này giống như bờ bao để ngăn sóng biển ập vào. Nếu tiếp tục nuôi tôm trái phép lấn dòng chảy ăn sâu vào cồn cát thì sẽ phá vỡ cồn cát, sóng biển ập trực tiếp vào hồ nuôi tôm lôi hết ra biển gây thiệt hại nặng về kinh tế của các hộ dân nuôi tôm.

Người dân phá bỏ nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển để làm hồ nuôi tôm cao triều
Người dân phá bỏ nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển để làm hồ nuôi tôm cao triều
 

Tuy nhiên, người dân lại cho rằng việc nuôi tôm trên cát, nuôi cao triều giúp con tôm ít bệnh tật, giảm mức độ thiệt hại trong quá trình nuôi tôm. Bởi vậy nhiều hộ dân vẫn chọn phương thức nuôi cao triều và đồng nghĩa là họ tiếp tục bơm, hút cát để đắp hồ và cải tạo lòng hồ. Tình trạng khai thác hút cát tại cửa biển Lễ Thịnh vẫn tiếp diễn.

Việc bơm hút cát nuôi tôm cao triều trong thời điểm hiện tại đều trái phép vì chủ trương đề xuất của UBND xã An Ninh Đông cho phép các hộ dân nuôi tôm cao triều đã hết thời hạn từ năm 2015. Việc nuôi tôm cao triều không chỉ nảy sinh nạn khai thác hút cát trái phép mà gây ô nhiễm môi trường khi các hộ dân xả nước thải, thay hồ tôm vì toàn bộ khu vực nuôi tôm cao triều, nuôi tôm chìm ở xã An Ninh Đông và An Hải đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nghiêm trọng hơn, các hộ dân nuôi tôm đã phá bỏ nhiều diện tích đất rừng dương phòng hộ ven biển để xây, đắp hồ nuôi tôm trái phép chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Sự việc này tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không xử lý đến nơi đến chốn với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về địa giới hành chính giữa hai xã An Ninh Đông và An hải chưa được phân định rõ ràng.

PV Báo TN&MT liên hệ với ông Nguyễn Kim Thanh- Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông làm việc, nhưng ông Thanh lại đề nghị PV gặp cán bộ địa chính xã vì ông đang bận việc. Qua trao đổi ông Nguyễn Anh Tư- Cán bộ địa chính cho biết theo địa giới hành chính thì từ rừng dương ra mép nước biển 5m do xã An Ninh Đông quản lý, ra khỏi khu vực mép nước xã An Hải quản lý nên xã An Ninh Đông không có báo cáo vì không thuộc trách nhiệm mình quản lý, xử lý các hộ bơm, hút cát. UBND xã chỉ phối hợp với xã An Hải quản lý về con người. Khi PV hỏi về tình hình nuôi tôm, số hộ nuôi và diện tích nuôi tôm khu vực xã quản lý thì vị cán bộ này nói không biết và cũng không có báo cáo nào để cung cấp cho PV. Việc báo cáo xử lý các hộ nuôi tôm bơm hút cát, tình hình nuôi tôm cao triều thì xã An Hải đang làm.

Nuôi tôm cao triều nảy sinh tình trạng khai thác bơm hút cát cửa biển, gây ô nhiễm môi trường sạt lở, thay đổi dòng chảy, lấn vào đất sản xuất, nhà dân
Nuôi tôm cao triều nảy sinh tình trạng khai thác bơm hút cát cửa biển, gây ô nhiễm môi trường sạt lở, thay đổi dòng chảy, lấn vào đất sản xuất, nhà dân
 

Tuy nhiên, khi PV làm việc với UBND xã An Hải, ông Huỳnh Ngọc Hân - Chủ tịch UBND xã An Hải lại cho rằng việc quản lý các hộ nuôi tôm cũng như xử lý việc bơm hút cát, UBND xã An Ninh Đông phải có trách nhiệm vì họ xây, đắp hồ trên đất xã An Ninh Đông. Chính xã An Ninh Đông đề xuất chủ trương cho các hộ nuôi tôm cao triều thì phải có trách nhiệm quản lý, xử lý khi xảy ra vụ việc. Xã An Hải chỉ xử lý vụ việc khi họ bơm hút cát tại khu vực cửa biển. UBND xã An Hải thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, xây dựng dọc ven đầm Ô Loan và thực hiện yêu cầu người dân cam kết không được bơm, hút cát bãi bồi ven đầm, ven biển để làm hồ nuôi tôm cao triều.

Với tổng diện tích nuôi tôm của xã An Ninh Đông 135ha, nuôi tôm cao triều 02ha và xã An Hải tổng diện tích nuôi tôm 27ha, nuôi cao triều 1,5ha thì UBND xã An Ninh Đông không thể vô can, vô trách nhiệm, thoái thác đùn đầy trách nhiệm cho địa phương khác trong công tác quản lý, giám sát, xử lý hoạt động bơm hút cát để nuôi tôm cao triều tại địa phương mình.

Trong khi hai xã An Ninh Đông và An Hải đang tranh phân định địa giới hành chính để quản lý, UBND huyện Tuy An vào cuộc xử lý chậm trễ thì nạn hút bơm cát tại cửa biển Lễ Thịnh vẫn diễn ra hàng ngày, gây ra nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Dân bơm, hút cát cải tạo hồ nuôi tôm, chính quyền không nhận trách nhiệm xử lý vì địa giới hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO