Phú Yên lên phương án ứng phó với cơn bão số 6
Hậu quả cơn bão số 5 (từ ngày 30-31/10) để lại cho tỉnh Phú Yên không có thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị của người dân các địa phương bị thiệt hại với tổng giá trị hơn 100 tỉ đồng.
Khu nhà ở thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị tốc mái, hư hỏng trong cơn bão số 5 |
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, có 225 nhà dân bị thiệt hại, trên 584 ha lúa, hoa màu và hàng ngàn ha cây trồng khác bị ngập úng, ngã đổ; 61 tàu thuyền bị sóng biển đánh chìm, lật nghiêng; 122 cột điện trung, hạ áp bị gãy đổ; 25 phòng học, 9 điểm trường bị hư hỏng do bão số 5 gây ra
Để sớm khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ 82 tỉ đồng khắc phục những thiệt hại về nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, xây dựng và các công trình khác do ảnh hưởng của cơn bão số 5.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế chỉ đạo công tác ứng phó cơn bão số 6 |
Cơn bão số 5 vừa đi qua để lại hậu quả nặng nề cho tỉnh Phú Yên chưa khắc phục được, thì cơn bão số 6 tiếp tục kéo đến. Tại cuộc họp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để bàn phương án ứng phó với cơn bão số 6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu các chính quyền địa phương phải triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người dân, luôn bám sát với người dân, điều hành công tác ứng phó bão một cách tốt nhất, tránh sự chủ quan, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi xảy ra bão lũ. Đặt biệt, cần cương quyết di dời đối với những hộ dân cư trú trên lồng bè, khu triều cường, vùng trũng thấp. Các lực lượng chức năng tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác cưỡng chế, di dời dân ra vùng nguy hiểm cũng như công tác cứu hộ cứu nạn khi bão lũ xảy ra, trong đó lưu ý phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ.
Bình Định di dời 1.300 hộ dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn.
Tại tỉnh Bình Định, bão số 5 đã làm sập 143 ngôi nhà; 1.164 ngôi nhà khác bị hư hỏng và 2.042 ngôi nhà ngập nước. Bão còn làm sạt lở 60 m3 bê tông, 23.400 m3 đất; 3 chiếc cầu, 17 cống bị xói lở và sập; 20,34 km đường tỉnh lộ bị ngập úng hư hỏng; tuyến đường sắt ngang qua địa bàn tỉnh bị sạt lở 25 điểm; 1,54 km kè biển bị sập và sạt lở; 10,4 km kênh mương bị hư hỏng; 6,78 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 130 m đê Đông bị xói lở mái. Sản xuất nông nghiệp cũng bị bão số 5 gây nhiều thiệt hại với 4.500 ha lúa vụ mùa và 663 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; 20 ha và 37 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Hệ thống điện, trường học, công trình nước sạch cũng hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại ước tính 358 tỷ đồng.
Kè biển và nhà dân xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bão số 5 đánh sập |
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 2.000 tấn gạo để cứu trợ cho người dân và 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch.
Trước cơn bão số 6 đang tiến về đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố dừng tất cả các cuộc họp để giành thời gian triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6. Chiều 8/11, các địa phương củng cố các đội xung kích, tập trung sơ tán các hộ dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn, phấn đầu hoàn thành công tác này trước 12 giờ ngày 10/11; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm.
Người dân chuẩn bị bao cát chằng chống nhà cửa đón bão |
Cảng vụ Quy Nhơn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sắp xếp, bố trí khu vực neo đậu tàu cá, tàu hàng an toàn, nhất quyết không để các phương tiện bị trôi neo. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra các hồ đập, các công trình xung yếu và triển khai gia cố những điểm bị hư hỏng. Bao cát do UBND tỉnh cấp phải nhanh chóng cấp phát cho dân và hỗ trợ lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa. UBND TP Quy Nhơn phải huy động lực lượng gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn. Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học ngày thứ 2 tới, tùy vào điều kiện thực tế bão lũ, tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Các đơn vị lực lượng vũ trang phải túc trực 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi cập nhật diễn biến bão số 6. Báo Bình Định, Đài PT-TH Bình Định tăng cường thông tin về diễn biến tình hình thời tiết và công tác ứng phó với cơn bão này. Từ ngày 9/11, tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ.