Phòng chống Covid-19 ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Trọng tâm là công tác tuyên truyền

Hải Ngọc - Châu Tuấn| 03/04/2020 16:46

(TN&MT) - Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, liên tục từ tháng 2/2020 đến nay, Ủy ban Dân tộc (Thành viên Ban Chỉ đạo Chính phủ) đã chủ động, quyết liệt trong việc tuyên truyền đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN) các biện pháp chống dịch.

Đồng bào dân tộc ở Gia Lai nhận quà phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo Gia Lai

Liên tục ra văn bản hướng dẫn

Bằng nhiều văn bản, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/3/2020 yêu cầu công chức, viên chức, người lao động không qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, hạn chế các điểm đông người và thực hiện tốt các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay dung dịch sát khuẩn, cập nhất tình hình dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời đồng thời đánh giá tác động của dịch bệnh đến đồng bào vùng cùng đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh đối với vùng DTTS&MN.

Ủy ban Dân tộc cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vùng đồng bào vùng DTTS&MN thực hiện nghiêm túc các văn bản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban đề nghị các địa phương vùng DTTS&MN chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đến đồng bào vùng DTTS&MN; rà soát, cập nhật báo cáo tình hình về số người dân tộc thiểu số dương tính với Covid-19, số người đang cách ly người tại nhà, cách ly tại các cơ sở y tế, các trung tâm, số lượng người dân tộc thiểu số đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hiện đang sinh sống tại địa phương cần giám sát y tế, số lượng người dân tộc thiểu số đi lao động qua biên giới với các nước láng giềng trở về địa phương...

Tiếp đến, bằng văn bản số 370/CV-UBDT ngày 25/3/2020 tiếp tục đôn đốc các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với đồng bào vùng DTTS&MN đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cần có các giải pháp đồng bộ, quan trọng và kiên quyết hơn nữa. Với tình thế “Chống dịch như chống giặc”.

Ủy ban Dân tộc đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN về công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát huy vai trò người có uy tín có các giải pháp thông tin, tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan y tế của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh.

Bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập tục, thói quen, nếp sống sinh hoạt tụ tập đông người, nhất là việc không tổ chức các lễ hội, tết cổ truyền, các hình thức hành lễ tôn giáo (nếu có)… để thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ủy ban Dân tộc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp, thông tin thường xuyên một số dung cơ bản để Ủy ban Dân tộc tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời, đồng bộ, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Đặc biệt là việc thống kê số người dân tộc thiểu số đi lao động phổ thông qua biên giới trở về địa phương tính từ tháng 01/2020 đến nay; số hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bị thiếu đói giáp hạt); đề nghị các địa đề xuất, kiến nghị cụ thể về hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần; hỗ trợ sản xuất, sinh kế; các điều kiện phòng chống dịch bệnh (Nhân lực, nguồn lực, các điều kiện cơ bản về y tế…); việc học tập trong điều kiện phòng chống dịch của học sinh vùng DTTS&MN và những vấn đề khác có liên quan mang tính đặc thù…

Các tỉnh vùng DTTS&MN rất khẩn trương, tích cực

Đánh giá sự vào cuộc của các địa phương cho đến thời điểm này, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết: Đến thời điểm này, các địa phương vùng DTTS&MN đã rất khẩn trương, tích cực, quyết liệt triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tặng quà các lực lượng cùng đồng bào chống dịch. Ảnh: Tiến Nhất

Theo bà Hoàng Thị Hạnh, các tỉnh thành trong vùng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào vùng DTTS&MN bằng nhiều hình thức khác nhau như qua hệ thống đài truyền thanh xã; Phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, khóm, ấp… Nội dung tuyên truyền tập trung cung cấp thông tin đến đồng bào về sự nguy hiểm của dịch Covid-19, các biện pháp phòng tránh và;

Qua tuyên truyền, đã vận động đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào công tác phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, không hoang mang, không chủ quan và định hướng tiếp tục đẩy lùi mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu; tăng cường lao động sản xuất, vận dụng khoa học kỹ thuật, xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng biên giới; nêu gương người tốt, việc tốt, động viên đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt việc phòng, chống, dập dịch.

Đồng thời các địa phương đã chấp hành nghiêm chế độ báo cáo làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc tổng hợp báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo Trung ương về tình hình phòng chống dich bệnh Cvid-19 vùng DTTS&MN.

Với tỉnh vùng Tây Nam bộ, ngoài việc tổ chức triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn kịp thời chỉ đạo đồng bào trong khu vực dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội tôn giáo thường niên, tết cổ truyền Chool Chnam Thmây của đồng bào Khmer…

Ủy ban Dân tộc cũng đánh giá cao việc nắm bắt và xử lý thông tin của các địa phương vùng DTTS&MN. Theo đó, các tỉnh đều hết sức kịp thời, chính xác thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các hình thức khác. Đa số các địa phương đã kết nối, chia sẻ thông tin, cấp nhật tình hình công tác phòng, chống Covid-19 với Ủy ban Dân tộc để tổng hợp Báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia…

Từ 05/02/2020 đến 27/3/2020: 19 báo, tạp chí đã đăng 385 bài viết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và những tác động, ảnh hưởng của dịch đến đời sống xã hội.

Từ 14/01/2020 đến 27/3/2020: đã phát 998 bài trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bằng 12 tiếng dân tộc về các thông tin liên quan đến dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng, chống dịch, các quy định về cách ly, theo dõi đối với các đối tượng nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch. Từ 06/01/2020 đến 19/02/2020: Kênh Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng 217 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống, dập dịch Covid-19.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ cấp bách và còn nhiều thách thức, nhất là trong việc tiếp cận với những thông tin, Ủy ban Dân tộc đã đang và sẽ luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước của đồng bào vùng DTTS&MN.

Trước tình hình đại dịch Covid-19, Ủy ban Dân tộc đã kịp thời chỉ đạo, định hướng 19 cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc; đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tăng thời lượng tin bài về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong đồng bào DTTS.

Thanh niên phát khẩu trang và vận động đồng bào chống dịch. Ảnh Tư liệu

Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN có tính đặc thù riêng. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc cũng xác định vai trò của trên 30.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên tryền, vận động phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ người có uy tín cần được trang bị kiến thức, thông tin cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, người có uy tín cần được tập huấn, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa, các trang bị y tế cơ bản để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19;

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đã đưa ra những giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, đội ngũ cán bộ cơ sở, đài phát thanh, truyền hình, các báo tạp chí … tăng cường các cụm pano áp phích tại các trung tâm thôn, bản, tờ rơi, tờ gấp, tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5) trên đài địa phương để truyền tải thông tin tới người dân về phòng, chống dịch, hướng dẫn đồng bào thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện chị thị của Đảng, Nhà nước;

Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã chỉ đạo đồng bào trong khu vực dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội tôn giáo thường niên, tết cổ truyền Chool Chnam Thmây của đồng bào Khmer. Tuy nhiên mức độ, tính chất nghiêm trọng và các chế tài chưa được dặt ở mức độ cao nhất với tinh thần “ Chống dịch như chống giăc’. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể hơn và giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào tổ chức lễ tết cổ truyền Chool Chnam Thmây của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ và Tết Ramưwan của người Chăm Bàni ở Tây duyên hải miền Trung sắp diễn ra phù hợp với tình hình hiện nay, có hình thức động viên đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào;

Ủy ban Dân tộc đề nghi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc cấp phát và hướng dẫn sử dụng tới hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có nguy cơ mắc dịch về xà phòng rửa tay, khẩu trang vải... Thăm khám y tế và cấp phát một số loại thuốc thiết yếu thông thường nhằm tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng của người dân, nhất là đối với người già, trẻ em, người nghèo....

Những kiến nghị của Ủy ban Dân tộc với Chính phủ nhằm hỗ trợ đồng bào phòng chống dịch Covid-19:

Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động qua biên giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở về địa phương, Ủy ban Dân tộc đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình đời sống của đồng bào, với những nơi thiếu đói giáp hạt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp gạo không thu tiền để hỗ trợ đồng bào.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp hướng dẫn học sinh học tập tại nhà qua việc ứng dụng khoa học công nghệ (mạng online). Tuy nhiên đặc thù của vùng DTTS&MN khó thực hiện được những giải pháp trên (do thiếu cơ sở vật chất, máy tính, internet...)... Ủy ban Dân tộc đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những hướng dẫn đặc thù để học sinh dân tộc thiểu số học tập trong điều kiện hiện nay (có thể hạn chế bớt môn thi để tập trung ôn tập vào những môn học chính, chỉ đạo giáo viên đến các thôn, bản để hướng dẫn học sinh học tập, cấp bằng tốt nghiệp trên cơ sở những tiêu chí cơ bản của kiến thức phổ thông...).

Đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông nghiên cứu, phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, UBND các tỉnh hỗ trợ học sinh vùng DTTS&MN, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới các điều kiện tối thiểu để học sinh có thể tiếp cận với các kiến thức phổ thông trong chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Đối với công tác y tế, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản không còn hoạt động. Ủy ban Dân tộc đang đề nghị Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ có cơ chế trước mắt phục hồi, sử dụng hệ thống nhân viên y tế thôn, bản, động viên đội ngũ này tham gia phòng, chống dịch (Làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các vấn đề về y tế dự phòng) có chế độ đãi ngộ hợp lý; tiếp tục nghiên cứu việc cần thiết phải có đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản để chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng DTS&MN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống Covid-19 ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Trọng tâm là công tác tuyên truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO