Sáng 14/9 tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện xây dựng nông thôn mới 2010- 2019.
Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng và các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và môi trường...
Người dân là chủ thể
Như tin đã đưa, đến hết tháng 7/2019, cả hai vùng đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước 50,8%). Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015); 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng và của cả nước đã công nhận 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Đồng Nai cũng công nhận một xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).
Cả hai vùng có bình quân chung tiêu chí nông thôn mới đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Hai vùng này đang tiếp tục triển khai Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tới năm 2020, vùng Đông Nam Bộ có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 51%.
Là tỉnh còn nghèo nhưng Đồng Tháp nổi lên là một trong những địa phương tiêu biểu của vùng và cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay trên 50% số xã đã đạt chuẩn NTM và có 1 đơn vị cấp huyện NTM, trung bình toàn tỉnh đã đạt trên 16 tiêu chí/xã.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị về cách xây dựng nông thôn mới của Đồng Tháp là để người dân làm chủ như đúng tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
“Tinh thần người dân là chủ thể là như thế nào? Chúng tôi suy nghĩ không phải là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán. Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm là như vậy”, ông Lê Minh Hoan bày tỏ.
Nhưng với mô hình hội quán, Bí thư Lê Minh Hoan cho biết trước hết đây là nơi bà con gặp mặt nhau và sau đó là hợp tác trong làm ăn. “Muốn hùn thì phải hạp, phải gặp nhau và hiểu nhau từ câu chuyện đời thường thì mới “hùn hạp” làm ăn được”, ông Hoan lý giải theo ngôn ngữ địa phương và cho rằng Hội quán là không gian cộng đồng, bước đệm giữa “nhà” và “nước”.
Hội quán ở Đồng Tháp hiện nay trước hết có tác dụng giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện Đồng Tháp có 80 hội quán với 4.300 thành viên và 17 HTX kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này. Các hội quán được kết nối hạ tầng viễn thông, giúp lãnh đạo tỉnh, các sở ngành ở trụ sở cũng có thể kết nối được với 80 hội quán.
Từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng Đề án “Làng thông minh”, giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, học hành và truyển tải tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, tỉnh đã khơi dậy được vai trò và trách nhiệm của đồng bào công giáo qua đó góp phần quan trọng đối với xây dựng nông thôn mới. Huyện Thống Nhất có hơn 50% đồng bào công giáo đã đạt chuẩn NTM đầu tiên của cả nước vào năm 2015. 93% người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống.
Ông Võ Văn Chánh kiến nghị Chính phủ thiết kế chính sách mới có tính tới việc phân loại xã chuyên về nông nghiệp và xã nằm trong vùng đô thị hóa để địa phương triển khai đầu tư tiết kiệm, hiệu quả.
Tiêu chí nông thôn mới: Sẽ phân cấp mạnh hơn cho địa phương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả xây dựng nông thôn mới của hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cách làm hay, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, huy động hợp lý đóng góp của người dân.
Tới nay, các địa phương đã hoàn thành trước 18 tháng chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao về xây dựng nông thôn mới với trên 50% tổng số xã đạt 19 tiêu chí. Do đó, Phó Thủ tướng ,Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng việc tổng kết và đề xuất các chính sách, cách làm mới cần được làm sớm để cả nước triển khai Chương trình ngay khi bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khác cũng chia sẻ rằng việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, liên kết các khu vực kinh tế, việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn chậm, những thách thức từ biến đổi khí hậu đối với sự phát triển nhanh và bền vững, đời sống của người dân.
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của vùng trong thời gian tới.
Trong quá trình triển khai, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, địa phương không được chủ quan, thoả mãn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành thực hiện thực chất xây dựng nông thôn mới trên tinh thần “tam nông là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể” của Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương khóa X.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương quyết định các tiêu chí nông thôn mới. Ví dụ vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu xã đã có chợ nổi thì không cần thiết bộ tiêu chí phải quy định phải có chợ trên bờ, hay ý kiến của tỉnh Đồng Nai về xác định lại tiêu chí của xã thuần nông và xã ven đô,...
Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long trên tinh thần “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu; tính toán việc xây dựng thôn, ấp nông thôn mới; kiến nghị tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh định mức phân bổ đầu tư hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng này; phát triển nông nghiệp phát triển bền vững gắn với công nghiệp, dịch vụ,...