Phía sau cơn lũ dữ

Phương Anh| 23/07/2020 11:18

(TN&MT) - Những bản làng yên bình, sau một cơn lũ quét đi qua, đã xơ xác hoang tàn. Thẫn thờ những ánh mắt, lê lếch những đôi chân dọc bờ sông, con suối, soi từng gốc cây, lục lọi từng hốc đá… khản giọng gọi người thân.

Những ngày này, miền núi phía Bắc quay cuồng trong lũ dữ. Một màu nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về, xé ngang dọc các khu dân cư, nhấn chìm nhiều ngôi nhà trong nước lũ. Cảnh tan hoang chạy dọc dài theo con nước, bung toạc những quả đồi, khoét sâu những bờ suối, bứng đi những vườn cây ăn quả, phá vỡ những con đường... Lũ qua kéo thêm bao sinh mạng, tài sản của người dân miền sơn cước.

Nhiều năm qua, sau mỗi cơn bão, người dân miền núi phía Bắc lại lo mưa lớn, lũ quét, lũ ống. Những con suối hàng ngày êm ả, róc rách thơ mộng nhưng khi có lũ chợt trở nên hung dữ, gào thét cuốn phăng những gì cản trở “đường đi” của chúng.

Và đến hôm nay, chỉ trong "tích tắc" mưa lũ đã cướp đi mạng sống của 5 người  là nỗi đau quá lớn đối với nhiều gia đình ở Hà Giang nói riêng và bàng hoàng của người dân cả nước nói chung. Mỗi ngày, nghe những con số, thấy những hình ảnh từ vùng lũ, chúng ta không khỏi xót xa suy nghĩ. Có cách nào để ngăn ngừa lũ lụt và hạn chế thiệt hại, mất mát được không. Có thể nào “chống lũ” được không?

Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng! Không ai bị bỏ lại phía sau! Sự chung tay của cộng đồng trợ giúp người dân vùng lũ lúc này là vô cùng cần thiết để người dân thấy, trong hoạn nạn, mình không đơn độc, thêm vững đôi chân, gạt bùn đất, đứng lên dựng lại cuộc sống. Thế nhưng về lâu dài, điều cần hơn cả là một chính sách căn cơ để người dân sống an toàn trên những vùng đất ấy. Bởi không thể cứ lũ lụt là dỡ nhà, dời bản làng chạy quanh! Mỗi lần như vậy, người dân lại phải làm lại từ đầu. Thử hỏi một vài năm lại “làm lại từ đầu” thì cuộc sống dài lâu biết tính sao đây? Không an cư liệu có lạc nghiệp?!

Ảnh minh họa

Chúng ta đã có mô hình nhà phao chống lũ. Điều đó đáng trân quý! Song, bình tâm nhìn lại, đúng là người dân cần đến những chiếc phao để được an toàn về tính mạng, nhưng họ cũng cần hơn những “chiếc phao niềm tin”. Sẽ không tổ chức xã hội nào có thể đảm bảo hay lo xuể cho người dân nghèo ở những vùng rốn lũ nếu như cơ quan chức năng vẫn cứ vì nguồn lợi trước mắt, lợi ích nhóm mà nhân rộng mô hình phát triển không bền vững, bỏ qua những hệ lụy tác động lên đời sống người dân. Cũng không tổ chức từ thiện nào có thể lo cho dân hết đói nếu như những chính sách phát triển bỏ qua những điều kiện an sinh dành cho họ.

Thực tế, công luận đã từng lên tiếng mạnh mẽ trước những dự án thấy trước tác hại môi trường và tác động xấu đến môi trường sống vẫn đang được quyết liệt triển khai, bất chấp mọi sự phản biện. Cứ thử hình dung những ngôi nhà phao được buộc cố định bốn góc tròng trành trong lũ dữ cũng sẽ đến lúc trở nên mong manh vô cùng khi “chiếc phao niềm tin” vào chính sách phát triển không được chính quyền quan tâm củng cố. Và không mô hình nhà phao nào có thể cứu vãn được niềm tin dân chúng sau những phát ngôn lạnh lùng, vô cảm “xả lũ đúng quy trình” của cơ quan hữu trách?!

Có quá nhiều câu hỏi đang trở thành những tiếng thở dài của người dân. Sau lũ quét và tang thương, ai là người trả lời cho những mất mát mà họ phải gánh chịu hôm nay?! Có lãnh đạo địa phương nào dám đứng ra nhận trách nhiệm về những cánh rừng nguyên sinh bị cạo trọc, lòng núi bị đục khoét, lòng sông bị hút cạn, đến cả những công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng tràn lan?

Chưa kể, sau bao năm, với nhiều chương trình dự án, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để trồng rừng, có ai dám chắc, rừng đã thực sự được phục hồi?! Trong khi đó, năm nào tổng kết, Bộ ngành quản lý đều chỉ ra tồn tại là diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt. Độ che phủ ở nước ta hiện còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Chỉ trong hơn 5 năm từ 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật mất chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Năm 2019, riêng phá rừng đã phát hiện 1.179 vụ, tăng trên 16% so với năm 2018, vận chuyển động vật hoang dã tăng 21%.

Khi rừng cạn kiệt dần, chúng ta có “sửa sai” bằng phong trào trồng rừng, giữ rừng. Rừng trồng mới, rừng tái sinh, khoanh nuôi bảo vệ đã mang lại màu xanh cho phần lớn diện tích núi trọc. Nhưng thử hỏi, rừng loại ấy liệu có tương quan với lượng mưa để có đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ điều hòa lũ hay không? Không thể cứ để rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, để rồi, năm nào cũng phải huy động sức người sức của cứu trợ. Tiền thì có thể, nhưng sinh mạng con người lấy gì bù đắp?

Mỗi bước chân bì bõm, vẫy vùng trong lũ, dưới cái lạnh của nước đầu nguồn, đâu nhói buốt bằng cảnh tượng hoang tàn hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau cơn lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO