Biến đổi khí hậu

Phê duyệt danh mục đa dạng sinh học Rừng đặc dụng Tà Xùa

Nguyễn Nga 29/01/2024 - 12:57

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ Điều tra đa dạng sinh học và xây dựng danh mục các loài động thực vật tại khu rừng đặc dụng Tà Xùa.

Theo đó, qua điều tra về tính đa dạng sinh học tại đây, đã xác định được 5 thảm thực vật chính, gồm: Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (đai độ cao dưới 700 m) với tổng diện tích trên 735ha, chiếm 4,4% tổng diện tích; Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới (đai độ cao từ 700 - 1.600m) có diện tích trên 8.287 ha, chiếm 49,7%;

img_1712.jpg
Rừng đặc dụng Tà Xùa có hệ sinh thái đa dạng với nhiều kiểu rừng có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học.

Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới ẩm núi thấp tầng trên (đai độ cao từ 1.600 - 2.400m) có diện tích trên 3.880ha, chiếm 23,3% tổng diện tích; Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh ôn đới lạnh núi vừa tầng trên (đai độ cao trên 2.400m) có diện tích trên 802 ha, chiếm 4,8%; thảm cây nông nghiệp, dân cư và sông suối có diện tích gần 3.000ha, chiếm 17,8%.

Về thực vật rừng, ghi nhận 782 loài thực vật bậc cao có mạch, xuất hiện trong 504 chi, 161 họ của 5 ngành thực vật. Trong đó, có đến 123 loài nguy cấp, quý hiếm.

Gồm: Sách đỏ Việt Nam 2007 có 57 loài, IUCN 2023 có 21 loài và Nghị định 84/2021/NĐ-CP có 76 loài. Đặc biệt, lần đầu tiên ghi nhận được vùng phân bố thứ 2 của loài Vân sam fansipan - Abies delavayi subsp Fansipanensis. Đây là loài đặc hữu hẹp của Việt Nam, từ trước đến nay mới chỉ biết đến sự hiện diện của loài tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Về hệ động vật rừng có xương sống, đã xác định được 361 loài động vật, trong đó: Lớp thú có 60 loài thú, 15 họ, 15 loài thú quý hiếm, nguy cấp. Lớp chim ghi nhận 215 loài, 55 họ; 31 loài quý hiếm, nguy cấp. Lớp bò sát ghi nhận 35 loài, 14 họ, 2 bộ; 13 loài quý hiếm, nguy cấp. Lớp lưỡng cư ghi nhận 28 loài, 6 họ, 1 bộ; 3 loài quý hiếm, nguy cấp.

1(1).jpg
KBTTN Tà Xùa có tổng diện tích trên 16.600ha, thuộc địa phận 3 xã của 2 huyện Bắc Yên - Phù Yên.

Quá trình điều tra, đánh giá, đã xác định được các mối đe dọa đến đa dạng sinh học: Dọn thảm tươi trồng lâm sản phụ; khai thác củi làm chất đốt; chăn thả gia súc trên rừng và đất rừng; khai thác lâm sản ngoài gỗ; một số mối đe dọa gián tiếp (gia tăng dân số, đói nghèo, thiếu việc làm); năng lực và công tác quản lý bảo vệ rừng.

Từ đó, đề xuất 5 giải pháp chính: Nâng cao nhận thức cho cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học; Giải pháp phát triển kinh tế xã hội; Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; Giải pháp về cơ chế chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ.

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, UBND tỉnh giao Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa công bố, công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ Điều tra đa dạng sinh học và xây dựng danh mục các loài động thực vật tại khu rừng đặc dụng Tà Xùa; lưu trữ thành quả điều tra và sử dụng kết quả điều tra trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

UBND huyện Bắc Yên, Phù Yên chỉ đạo UBND các xã thuộc phạm vi của Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa và vùng đệm tăng cường phối hợp với Ban quản lý rừng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, không xâm hại rừng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, phát triển bền vững khu rừng đặc dụng và vùng đệm.

KBTTN Tà Xùa có tổng diện tích trên 16.600ha, thuộc địa phận xã Háng Đồng huyện Bắc Yên và Suối Tọ, Mường Thải huyện Phù Yên; trong đó, hơn 15.000ha là diện tích rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Tại đây có nhiều sinh cảnh độc đáo, lưu trữ nhiều loài động thực vật quý hiếm. Các hệ sinh thái đa dạng với nhiều kiểu rừng có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, sinh cảnh sống cho các loài động, thực vật hoang dã sinh trưởng, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phê duyệt danh mục đa dạng sinh học Rừng đặc dụng Tà Xùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO