Phát triển thị trường các-bon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
(TN&MT) - Phát biểu tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” vào ngày 23/9 tại TP.HCM, bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ như vậy.
Thị trường các-bon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tạo tín chỉ các-bon
Phát biểu tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” vào ngày 23/9 tại TP.HCM, bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá các-bon. Công cụ định giá các-bon phổ biến được áp dụng là thuế các-bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế tín chỉ các-bon. Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các công cụ định giá các-bon. Các công cụ định giá các-bon này kiểm soát khoảng 23% tổng lượng phát thải toàn cầu năm 2023.
Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26. Các công cụ định giá các-bon cần được triển khai áp dụng ở nước ta, trong đó có việc phát triển thị trường các-bon trong nước.
Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nước ta đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tạo tín chỉ các-bon. Việc trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu qua báo cáo của các doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế tín chỉ các-bon và dữ liệu công bố bởi các cơ chế tín chỉ các-bon, đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ các-bon. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Báo chí là một kênh thông tin quan trọng, góp phần trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định đến năm 2030, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng như mục tiêu thiết lập và vận hành thị trường các-bon tại Việt Nam.
Chúc mừng sự ra đời của Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon, bà Mai Kim Liên hy vọng với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm và các thành viên, Câu lạc bộ sẽ hoạt động tích cực, hiệu quả và đạt được nhiều thành công.
Thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ các-bon
Được biết, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định lộ trình phát triển thị trường các-bon nội địa. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, cần thực hiện các hoạt động như xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
Bà Mai Kim Liên cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Biến đổi khí hậu đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng chính sách, bao gồm: quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ các-bon; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính; cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon; quy định về quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng hợp thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính phục vụ việc tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thị trường các-bon cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước.
Bà Mai Kim Liên cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ các-bon được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ các-bon, lượng tín chỉ các-bon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác.