Kinh tế

Phát triển tài chính xanh: Kỳ vọng một danh mục phân loại xanh

Bài và ảnh: Như Ý 30/08/2024 09:48

(TN&MT) - Vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phối hợp với các bên liên quan để phát triển danh mục phân loại xanh trên cơ sở dự thảo nhằm hướng đến có một danh mục rõ ràng, dễ hiểu, là cơ sở pháp lý cho các hoạt động cấp vốn xanh bao gồm trái phiếu, tín dụng xanh…, đang rất được chờ mong.

Thực trạng thị trường tài chính xanh

Thị trường tài chính xanh đã bắt đầu sôi động ở Việt Nam, đặc biệt kể từ sau COP26 khi Chính phủ đặt mục tiêu đưa nền kinh tế đạt Net zero vào 2050 theo Cam kết Thỏa thuận Paris.

Thực tế, từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam quyết liệt thực hiện thỏa thuận này. Đi cùng là các chủ trương, chính sách và sự vận động của bộ, ngành để tạo hành lang pháp lý ban đầu cho cơ hội đón vốn, thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế từ nâu sang xanh.

Ở góc độ tiếp cận vốn xanh, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường vận động tích cực. Theo số liệu của Asia Bond, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trở thành thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore.

Số liệu này được ghi nhận bởi phần lớn các đợt thu xếp vốn xanh dành cho các dự án năng lượng tái tạo - lĩnh vực có 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010, ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045, theo số liệu của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, các đợt phát hành trái phiếu xanh lẫn tiếp nhận tín dụng xanh nhằm mục tiêu tái tài trợ vốn xanh cho doanh nghiệp và nền kinh tế ở khu vực ngân hàng cũng ghi nhận có sự tham gia mạnh mẽ của các ngân hàng nhóm Big 4 như: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank lẫn các ngân hàng thương mại tư nhân như VPBank, HDBank, OCB, SeABank…

Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đại chúng, khó có thể tiếp cận vốn xanh qua phát hành trái phiếu xanh, cũng đã có những cách thức tiếp cận để tìm kiếm cơ hội của riêng mình. Đơn cử tại lễ đón vốn xanh của UOB Việt Nam vào tháng 4/2024, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Betrimex cho biết, để tiếp cận vốn xanh, Betrimex đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (Bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững).

13b.jpg

Đáng chú ý, theo bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), nhìn chung, với doanh nghiệp nông nghiệp Việt “xanh lét” - tức là đã có tinh thần, bản sắc, chất xanh ngay từ nền tảng ban đầu, để đạt chuẩn xanh và vận hành đúng chuẩn ESG, chỉ cần nắn chỉnh tư duy, quy trình vận hành, quản trị, cộng thêm sự đồng hành tư vấn của các đối tác xanh, bao gồm các đối tác hỗ trợ vốn xanh. Được biết đây là lần đầu tiên ngân hàng UOB cấp tín dụng xanh cho một doanh nghiệp nông nghiệp. Trước đó UOB chỉ cấp tín dụng xanh cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch cùng với 7 dự án công nghiệp xanh.

Ví dụ điển hình thứ hai từ Phúc Sinh Group, doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam vừa được nhận 25 triệu USD tài trợ để phát triển bền vững và đóng góp bảo vệ rừng từ quỹ &Green của Sail (Hà Lan). Đây là một “case study” đáng chú ý về tư duy và thực tế vận hành “xanh hóa” của doanh nghiệp.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh cho biết: để đạt đến kết quả đón vốn ngoại từ quỹ &Green của Hà Lan, Công ty đã trải qua thất bại khi đầu tư hàng nghìn USD tự triển khai ESG những năm 2005 - 2012. Sau đó, định vị lại, ông cho rằng muốn triển khai ESG, cần có tầm nhìn, sự kiên định và quan trọng là bắt đầu từ đúng. “Nếu đi sai, hành trình xanh của doanh nghiệp có thể đổ bể. Còn nếu đi đúng, việc tiếp cận vốn xanh sẽ rất dễ nếu một khi cánh cửa đã hé mở. Chẳng hạn sau &Green, tới đây Phúc Sinh sẽ được đón một khoản vốn phát triển bền vững theo dạng tài trợ không hoàn lại từ một quỹ quốc tế khác” - “Vua hồ tiêu” Việt Nam Phan Phúc Sinh chia sẻ.

Gỡ nút thắt phân loại theo danh mục

Trường hợp Betrimex hay Phúc Sinh là những vận động đơn lẻ nhưng tích cực khi tiếp cận vốn xanh. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, vẫn cho rằng phải chứng minh “vất vả” với ngân hàng mới được vay vốn xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, một trong những quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước - Quyết định 1663, có điểm sửa đổi rất đáng chú ý với những yêu cầu đặt ra với chính cơ quan quản lý: Trên cơ sở quy định của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, xây dựng, ban hành hướng dẫn về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả; Ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về tín dụng xanh sau khi các báo cáo có liên quan của Chính phủ, các bộ ngành được ban hành. Nghiên cứu, xây dựng các tài liệu tham khảo cho các tổ chức tín dụng về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ: “Định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh”.

Theo đó, quy định này có thể góp phần thay đổi việc xây dựng và cập nhật danh mục dự án xanh, vốn là một trong những khúc mắc lớn nhất của các tổ chức tín dụng trong triển khai cấp tín dụng xanh.

13a.jpg
Phúc Sinh Group nhận vốn xanh từ Quỹ &Green (Hà Lan)

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ đánh giá: Việc chưa có các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…, thực tế chính là một số trong những rào cản của thị trường tài chính xanh.

Cùng với đó, TS Lực chỉ ra các rào cản như việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; hay việc thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng, về lãi suất...

Tin vui là hiện ở quy mô quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, gọi tắt là danh mục phân loại xanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo phân loại xanh quy định chi tiết tiêu chí môi trường đối với 2 nhóm đối tượng, bao gồm: Các dự án đầu tư được xem xét cấp tín dụng xanh; Các dự án đầu tư được xem xét phát hành trái phiếu xanh.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng một danh mục phân loại xanh được định nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng sẽ trở thành công cụ kỹ thuật hữu ích cho các bên bao gồm cả nhà đầu tư, tổ chức phát hành, nhà hoạch định chính sách trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đây cũng sẽ là cơ sở để các dự án “giả xanh” (greenwashing) sẽ không có đất tồn tại và chen vào dòng chảy của vốn xanh, vốn rất cần được ưu tiên khơi dòng trúng dự án, doanh nghiệp, thúc đẩy đà tăng tốc trên hành trình ESG của Việt Nam.

Trong buổi ra mắt Tổng lãnh sự (TLS) và Phó TLS mới của Anh Quốc tại TP.HCM với báo giới TP.HCM vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Will Lawrenson, Phó TLS phụ trách Thương mại và Đầu tư cho biết trong nhiệm kỳ của mình sẽ đặc biệt thúc đẩy giải ngân nguồn vốn từ các tập đoàn, các doanh nghiệp châu Âu trong cam kết 15,5 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch theo cam kết chuyển đổi năng lượng công bằng JETP cho Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tài chính xanh: Kỳ vọng một danh mục phân loại xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO