Kinh tế

Tìm giải pháp cho thị trường tài chính xanh

Hoài Thu 01/11/2024 - 11:08

(TN&MT) - Hoàn thiện chính sách, huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng là những đề xuất của các chuyên gia trong Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam” diễn ra mới đây.

Xu hướng tài chính xanh

Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Việt Nam đang tiếp tục duy trì xu hướng về các công cụ tài chính, phổ biến là trái phiếu, tín dụng xanh. Ông cho rằng, trái phiếu, tín dụng bền vững sẽ mang lại điều kiện có lợi hơn cho tổ chức phát hành.

img_0753.jpeg
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Và để thúc đẩy thị trường tài chính xanh, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều Luật lệ, khuyến khích các tổ chức trong nước xây dựng các tiêu chuẩn xanh, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường tài chính xanh để thu hút đầu tư. Qua đó, chú trọng đến 3 yếu tố chính về: Doanh nghiệp trong đẩy mạnh sản xuất xanh; Người tiêu dùng trong tiêu dùng xanh và hỗ trợ các Tổ chức tài chính.

Đồng tình với nhận định trên, TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam sớm có chủ trương và chiến lược tài chính xanh, thể hiện trong nhiều bộ Luật, Nghị định, Thông tư đối với phát triển thị trường trái phiếu xanh và mới đây là Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Từ khi thực hiện các Chiến lược có thể thấy, quy mô thị trường trái phiếu xanh bền vững tại Việt Nam tăng nhanh so với khu vực ASEAN và Việt Nam được coi là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Singapore.

Cùng với đó, khối lượng tích luỹ của các loại trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết với tính bền vững (GSS+) từ năm 2023 là 4,2 nghìn tỷ USD đến nửa đầu năm 2024 đã tăng lên 5,1 nghìn tỷ USD; chủ trương phát triển đa dạng các loại trái phiếu xanh của Việt Nam đã giúp nhiều doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp xanh - theo đúng tiêu chuẩn của ICMA (Hiệp hội Thương mại) để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường.

Thách thức không nhỏ

Nhìn nhận về thách thức, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, thách thức lớn nhất chính là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro,... gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.

Ngoài ra, các quy định pháp luật còn chưa phù hợp và chưa đi vào tính cụ thể, thiếu sự đồng bộ về “tiêu chí xanh”, như các quy định về việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon,…

Còn theo TS. Nguyễn Thanh Nga, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam gặp vướng mắc về tiêu chuẩn đánh giá và thiếu khung pháp lý cho các dự án xanh, quy trình kiểm soát được thiết lập chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính phát triển chưa đồng bộ, vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư có tổ chức như quỹ đầu tư xanh, thiếu các sản phẩm tài chính xanh khác trong hệ sinh thái tài chính xanh, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các tổ chức phát hành,…

img_0760.jpeg
Cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý của thị trường trái phiếu xanh

Giải pháp hỗ trợ tài chính xanh

Cả ông Nguyễn Bá Hùng và TS. Nguyễn Thanh Nga đều cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh, đồng thời, có cơ chế và chính sách cụ thể nhằm phát triển các sản phẩm tài chính xanh. Cần ban hành các tiêu chí phân loại xanh; có những chính sách ưu đãi về thuế, phí cho phát hành và đầu tư như miễn giảm thuế, liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh.

Tiếp đó, cần phải chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận tín chỉ carbon, đẩy mạnh việc hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu hướng đi tiên phong cho việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách đối với các hạng mục xanh.

Đồng thời, cần phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; cũng như phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư xanh, tổ chức tài chính xanh tham gia phát triển thị trường trái phiếu xanh, nâng cao nhận thức nhà đầu tư và doanh nghiệp trong tiến trình phát triển nền kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp cho thị trường tài chính xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO