Phát triển sản phẩm dự báo KTTV môi trường biển và khu vực biển ven bờ

30/08/2019 12:11

(TN&MT) - Sáng 30/8, tại Hà Nội, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo Báo cáo Tổng kết Tiểu dự án FIRST-CEFD thuộc dự án: “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”.

Với tên gọi: “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, Tiểu dự án FIRST-CEFD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và thực hiện từ tháng 6/2017-9/2019.

ông Giang
PGS.TS Nguyễn Tiền Giang – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Tiểu dự án nhằm định hướng tăng cường năng lực về quan trắc hiện trường và xây dựng hệ thống mô hình tích hợp mô phỏng/dự báo quy mô khu vực với độ phân giải cao các trường thủy động lực, cấu trúc nhiệt muối ở biển và khu vực biển ven bờ nhằm nâng cao tính tự chủ về khoa học công nghệ. Từ đó, hình thành trung tâm nghiên cứu và dịch vụ hàng đầu trong nghiên cứu phát triển, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực về khảo sát, mô phỏng và dự báo khí tượng thủy văn môi trường biển và khu vực biển ven bờ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiền Giang – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, ngoài việc giúp CEFD nâng cao năng lực cán bộ, đủ khả năng làm chủ công nghệ quan trắc hiện đại, xử lý dữ liệu và hệ thống mô hình tích hợp mô phỏng/dự báo; Tiểu dự án còn giúp trường có thể đào tạo gắn liền với ứng dụng thực tiễn cho sinh viên; hệ thống máy tính hiệu năng cao giúp các nhà khoa học trẻ phát triển các nghiên cứu theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường. Đồng thời, đảm bảo cung cấp những số liệu đầy đủ và tin cậy nhất phục vụ các mục tiêu lâu dài về an ninh, giám sát biển.

đại diện WB
Ông Dilip Parajuli, đại diện WB phát biểu tại Hội thảo

Đánh giá tầm quan trọng của tiểu dự án, ông Dilip Parajuli, đại diện WB chia sẻ, sau khi kết thúc vào tháng 12, dự án sẽ có nhiều sản phẩm đầu ra. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ cho ứng phó với BĐKH mà còn có thể sử dụng cho các đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt có thể hỗ trợ dự báo tốt hơn với người nông dân.

Báo cáo những kết quả của Tiểu dự án, PGS.TS Trần Ngọc Anh – Giám đốc Tiểu dự án FIRST-CEFD cho biết, Tiểu dự án FIRST đã xây dựng và phát triển các công cụ khai thác dữ liệu, đồng hóa dữ liệu. Cùng với đó, xây dựng mô hình liên hoàn khí tượng hải dương cho phép mô phỏng chi tiết các quá trình thủy động lực khu vực biển Đông, đặc biệt vùng ven bờ.

ảnh toàn cảnh
Toàn cảnh Hội thảo

Nhờ đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cộng đồng và chính quyền địa phương. Trong đó, hệ thống quan trắc toàn diện này sẽ đảm bảo cung cấp những số liệu đầy đủ và tin cậy nhất phục vụ các mục tiêu lâu dài về an ninh, giám sát biển. Hệ thống mô hình tích hợp khí tượng, hải dương và môi trường biển sẽ phát triển năng lực dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin thiên tai kịp thời, độ phân giải cao, đủ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế - xã hội và giảm thiểu thiệt hại trên các vùng biển, ven biển và trên các đảo.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực về hạ tầng công nghệ thông tin chuyên biệt phục vụ nghiên cứu và dự báo bao gồm việc trang bị các thiết bị lưu trữ và tính toán hiệu năng cao nhằm rút ngắn thời gian tính toán và cho phép mô phỏng với độ phân giải cao, đáp ứng yêu cầu cung cấp kịp thời các cảnh báo/dự báo thời gian thực của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

cắt băng khánh thành
Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra lễ cắt băng khánh thành hệ thống thiết bị quan trắc radar và phòng máy tính hiệu năng cao

Với những lợi ích như vậy, PGS.TS Trần Ngọc Anh cho rằng, các sản phẩm của Tiểu dự án có nhiều tiềm năng thương mại hóa như: cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng về dự báo sóng, dòng chảy, điều kiện môi trường, dự báo vật thể trôi phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thương mại hóa ngân hàng dữ liệu khí tượng, thủy văn và hải văn; cung cấp các dịch vụ thời gian thực; khảo sát các yếu tố hải văn phục vụ các dự án điện gió; đưa ra các sản phẩm dự báo thủy hải văn kịp thời, chính xác; xây dựng và triển khai các công nghệ quản lý, khai thác bền vững tài nguyên và môi trường biển (tính toán và dự báo các thông số địa – thủy động lực công trình, hệ sinh thái, môi trường biển và cửa sông, đánh bắt hải sản….).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm dự báo KTTV môi trường biển và khu vực biển ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO