Đề án được tập thể tác giả và một số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Triển khai công nghệ khoáng chất (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) và Công ty Cổ phần khoáng sản Lộc Thiên Phú thực hiện.
Để có cơ sở lập luận khả thi và xin giấy phép khai thác mỏ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú chủ động trong đầu tư, đồng thời, có kế hoạch khai thác hàng năm ổn định lâu dài, Công ty đã tiến hành khảo sát, lập đề án thăm dò trình Bộ TN&MT xin giấy phép thăm dò theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản.
Vị trí khu vực xin cấp giấy phép thăm dò thuộc địa phận xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Theo yêu cầu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú, tập thể tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa, lấy một số mẫu phân tích tính chất cơ lý, hóa học, độ trắng của đá, thu thập các tài liệu địa chất mỏ và các tài liệu địa chất có liên quan đến đối tượng thăm dò hiện lưu giữ ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Đó là cơ sở tài liệu để thiết kế đề án thăm dò đá quarzit tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Thăm dò khoáng sản tại tỉnh Kon Tum |
Tập thể tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu địa chất khu vực, tài liệu điều tra khoáng sản đã tiến hành trên vùng Đắk Tô và Sa Thầy, trong đó, có diện tích nghiên cứu. “Mặc dù, tài liệu điều tra và tìm kiếm khoáng sản còn hạn chế, nhưng tập thể tác giả đã cố gắng tổng hợp và trình bày một cách có hệ thống về đặc điểm địa chất khu thăm dò, đặc điểm địa chất thân quặng làm cơ sở lựa chọn hợp lý mạng lưới bố trí công trình thăm dò và đề cập khá chi tiết về các bước thi công các công trình thăm dò”, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm triển khai công nghệ khoáng chất cho biết.
Với khối lượng các dạng công việc như thiết kế, ông Lê Tiến Dũng hy vọng, sau khi thi công đề án thăm dò sẽ đạt được mục tiêu trữ lượng quarzit. Cụ thể, trữ lượng quarzit đạt tiêu chuẩn làm đá ốp lát dự tính ở cấp 121 dự tính khoảng 24,74 nghìn mét khối, cấp 122 dự tính khoảng 163,11 nghìn mét khối; tài nguyên 333 dự tính khoảng 127,48 nghìn mét khối. Trữ lượng quarzit thỏa mãn tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát ở cấp 121 dự tính khoảng 1.311,40 nghìn tấn, 122 dự tính khoảng 8.645 nghìn tấn; tài nguyên 333 dự tính khoảng 6.756,29 nghìn tấn. Tỷ lệ dự kiến trữ lượng cấp 121/122 là 15,17%.
Ngày 20/8/2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản đã chủ trì họp Hội đồng Thẩm định và thống nhất thông qua nội dung đề án, đây là căn cứ để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định.
Theo ông Ngô Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Lộc Thiên Phú, công tác thăm dò tập trung ở khu vực đồi núi, điều kiện giao thông đi lại khó khăn; địa hình dốc, khu vực chỉ có cây dây leo, cây bụi. Vì vậy, trong quá trình thi công đề án thăm dò cần chú ý các vấn đề sau: Tuân thủ an toàn trong quá trình thi công, không chặt phá cây làm ảnh hưởng đến môi trường; công trình thăm dò có thể xê dịch lỗ khoan, hoặc vị trí tuyến thi công hào, khoan so với thiết kế trong trường hợp cần thay đổi và sau khi kết thúc thi công công trình khoan phải được đổ bê tông và lấp lỗ khoan, công trình hào phải được san lấp.
Ngoài ra, trong quá trình thi công và làm đường cần hạn chế tối đa việc làm đường mới, nên tận dụng đường mòn, chọn vị trí mở đường vận chuyển khoan tối ưu, ít ảnh hưởng đến việc phá hoại thảm thực vật trong diện tích thăm dò; công tác làm đường, mở moong khai thác thử gắn với việc khai thác về sau nên cần làm chi tiết hạng mục này.
Hơn nữa, trong quá trình thi công, công trình thăm dò cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và gia súc. Không được để dầu, dung dịch khoan hoặc đất đá thải xuống các suối, khu đất rẫy của dân gần khu thăm dò. Đất, đá thải (nếu có) cần được đưa vào vị trí nhất định, tránh ách tắc dòng chảy vào mùa mưa lũ,
Ông Ngô Quang Cường cho rằng, cần chú ý an toàn lao động cho công nhân thi công hào, khoan và chú ý hiện tượng trượt lở trong quá trình thi công công trình thăm dò.
Khu vực thăm dò mới có diện tích 48 ha, thuộc xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy và xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, nằm cách đường ĐT675 khoảng 5,5 km về phía Đông, cách thị trấn Sa Thầy khoảng 20 km về phía Bắc và cách TP. Kon Tum khoảng 35 km về phía Tây Bắc.