Phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường

Phạm Duy - Xuân Vũ| 27/08/2019 22:54

(TN&MT) - Hưởng ứng chương trình “Phòng trào chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhiều địa phương đồng loạt ra quân bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó Hải Phòng là một trong những thành phố tích cực và được cụ thể hóa bằng văn bản chỉ đạo số 333/TB-UBND của Chủ tịch UBND thành phố. Theo đó là sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, nổi bật là ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, lực lượng vũ trang vào cuộc thực chất, hưởng ứng phong trào không mang tính hình thức, không chỉ là lời kêu gọi chung chung.

anh 2
Đoàn viên thanh niên quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng tham gia “thử thách dọn rác".

Một trong những người nhiệt tình, tâm huyết nghiên cứu về vấn đề chống rác thải nhựa ở Hải Phòng là ông Phạm Hồng Điệp – Doanh nhân, nhà hoạt động môi trường, người đã được đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực môi trường, trong đó có Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2014. Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường có cuộc trao đổi để được nghe ông phân tích về chuyện chống rác thải nhựa.
Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, cần thiết phải phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Việc các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhiều nhóm bạn trẻ với những phong trào, biện pháp chống rác thải nhựa, như vậy là điều đáng mừng. Bởi lẽ, về mặt ý thức rõ ràng họ đã coi việc xâm lấn của rác thải nhựa ra môi trường là nguy hiểm. Tuy nhiên, các phong trào vẫn đang hướng về chôn lấp rác thải, chưa đúng bản chất để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Trên thực tế, nhựa là vật liệu quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào, nhựa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nhựa tham gia vào mọi sản phẩm công nghiệp cũng như tiêu dùng. Hầu như ở đâu chúng ta cũng thấy sản phẩm nhựa từ cái ca, đôi dép, cái bút, chiếc áo, cho đến máy tính, lốp xe, vỏ ôtô... Nhựa gắn liền với cuộc sống từ lâu rồi. Hiện tại, không có ngành kinh tế nào không sử dụng vật liệu nhựa như một yếu tố đầu vào hoặc sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.

anh 3
Cơ sở tái chế hạt nhựa với công nghệ ướt lạc hậu gây ô nhiễm.

Chung quy lại nhựa nó gắn liền với cuộc sống này từ lâu rồi. Cuộc sống chúng ta phải chung sống với nó rồi khai thác nó làm sao có hiệu quả và không phát thải ra môi trường. Thay vì tư duy chôn lấp với ý tưởng hạn chế thì ta nên tái chế. Thực tế là các nước phát triển như các nước châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... họ đem rác thải tái chế chứ không chôn lấp như ở Việt Nam. Họ làm tốt khâu phân loại tại nguồn, không chôn lấp, chính thế mà thu được nhiều rác thải nhựa để xuất khẩu đi các nước khác. Tại các quốc gia này, họ coi rác thải nhựa là “Mỏ nổi”, rác thải nhựa có thể được tái chế để sản xuất phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Ngành công nghiệp tái chế tại các quốc gia này đem lại nguồn lợi rất lớn. Sử dụng sản phẩm nhựa tái chế còn giúp giảm những tác động khác đến môi trường, Ví dụ Nhựa tái chế có thể làm Pallet nhựa thay thế pallet gỗ tránh phá rừng, sử dụng vật liệu hữu cơ thay thế nhựa cũng sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường ở khía cạnh khác.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, nhựa là cần thiết để phát triển kinh tế, sử dụng nhựa tất yếu phát thải tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy chỉ có tái chế mới giải quyết được tận gốc vấn đề rác thải nhựa. Đất nước Nhật Bản từng chìm sâu trong ô nhiễm cách đây 40 năm, và họ vượt lên khắc phục một cách ngoạn mục, giờ đây những EcoTown mọc lên khắc nơi và họ thực sự làm giàu lên từ rác tái chế, đó là kho tài nguyên vô giá.

Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống thì chúng ta phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất. Nhựa công nghiệp thì dễ phân loại nhưng nhựa tiêu dùng như ống mút, túi ni lon do người dân vất vào thùng rác rồi đem chôn lấp hoặc vứt bừa bãi, cực kì ô nhiễm vì khó phân hủy. Hệ thống thu gom của Việt Nam còn hạn chế, muốn làm tốt khâu phân loại rác thải tại nguồn thì khâu tuyên truyền của báo chí là rất quan trọng. Chúng ta phải tuyên truyền “Đả phá chôn lấp”, “ủng hộ tái chế”. Tuyên truyền làm sao để người dân có ý thức phân loại rác thải tại nguồn thành “phản xạ có điều kiện”. Bên cạnh đó cần có chế tài để xử lý trong vi phạm về phân loại rác thải tại nguồn.

Các nhà khoa học và các nhà quản lý của chúng ta họ đã nghiên cứu, ngành công nghiệp nhựa tái chế là ngành công nghiệp phát triển đem lại lợi ích cho nền kinh tế, nếu ngăn chặn ngay một lúc sẽ lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Chính vì vậy Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo nhựa phế liệu chỉ được chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm trung gian đến hết ngày 31/12/2024. Đây có lẽ là chỉ đạo kịp thời và hợp lý, vừa có thời gian bước đệm để cho các doanh nghiệp đang đầu tư trong ngành này thay đổi công nghệ đáp ứng yêu cầu mới, chuyển hướng sản xuất, vừa tránh để Việt Nam có nguy cơ trở thành bải rác khổng lồ của thế giới.

Xu hướng dịch chuyển của phân loại rác thải là tất yếu và sẽ tốt hơn cho việc tái chế khi đó. Vì thế nhà nước đã đưa ra “deadline” như vậy, trong vòng 5 năm đấy Nhà nước sẽ hi vọng sự dịch chuyển của việc phân loại rác thải tốt hơn. Để làm được điều đấy thì Nhà nước phải giải quyết đồng bộ, một là thay đổi ý thức của người dân là thu gom rác thải có phân loại, hai là cho phép doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi kinh doanh tái chế. Đến một thời gian nào đấy sẽ có sự đồng bộ giữa thu gom với lại tái chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO