Phát triển đô thị miền Trung thích ứng với BĐKH - Đô thị ven biển Quảng Nam: Phát triển theo hướng sinh thái và bền vững

Lan Anh| 07/02/2023 15:56

(TN&MT) - Tỉnh Quảng Nam xác định, đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những tác động khó lường của thiên tai cùng với phát triển, quy hoạch không gian biển chưa hợp lý đang tạo ra những thách thức lớn cho địa phương.

Dễ bị tổn thương

Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương chịu tổn thương nặng nề của BĐKH. Các đô thị ven biển ở Quảng Nam gồm đô thị Hội An, đô thị Vĩnh Điện, một phần đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và khu vực Tam Hòa ở ven biển phía Nam Quảng Nam là đối tượng “đứng mũi chịu sào” từ mối nguy này. Các chuyên gia về BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhận định, trong khoảng 50 năm tới, mực nước biển vùng đô thị Hội An - Đà Nẵng có thể tăng lên tầm 30cm so với hiện nay, đến cuối thế kỷ có thể tăng nhanh đột ngột hơn.

8-9-3-.jpg

Vậy nhưng đến nay, Quảng Nam vẫn chưa có quy hoạch riêng cho đô thị ven biển xứng tầm với vai trò của nó. Các quy hoạch chung cho vùng chưa thực sự chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt.

Thực tế cho thấy, tổ hợp của thiên tai gồm nước biển dâng, triều cường và không gian cho việc tiêu thoát nước tự nhiên bị thay đổi, chiếm dụng do quá trình đô thị hoá không kiểm soát đã làm cho tình trạng ngập lụt trong đô thị Quảng Nam trở nên nặng nề hơn rất nhiều thời gian qua. Vào mùa mưa, hàng nghìn ngôi nhà ở TP. Tam Kỳ và nhiều tuyến đường ngập trong biển nước. Khoảng 7km bờ biển ở TP. Hội An hơn một thập niên qua phải “vật lộn” với xói lở. Nhiều hội thảo, giải pháp thực tế cùng hàng nghìn tỷ đồng đã và đang tiếp tục chi ra để ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan từ tự nhiên nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề.

Quy hoạch ứng phó với ngập lụt, nước biển dâng

Nhằm ứng phó với BĐKH, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 3160/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam, bao gồm 29 khu vực, với tổng chiều dài 45.144 m.

8-9-2-.jpg

Sạt lở nghiêm trọng tại đô thị ven biển Hội An, tỉnh Quảng Nam

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam nhằm bảo vệ cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu ảnh hưởng do sạt lở bờ biển và ứng phó với BĐKH, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Sau khi công bố danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, Sở TN&MT của tỉnh sẽ thực hiện các bước tiếp theo để xác định chiều rộng, ranh giới và lập thủ tục cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Hiện Quảng Nam đang định hướng quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững. Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn sắp tới, địa phương sẽ tập trung phát triển hệ thống đô thị ven biển, trong đó sẽ lấy sự bền vững, sức khỏe và khả năng phục hồi, thích ứng của hệ sinh thái làm “chân đế” cho phát triển văn hóa - xã hội cũng như các mục tiêu kinh tế và tổ chức quy hoạch.Tùy từng khu vực, không gian đô thị ven biển Quảng Nam sẽ được quy hoạch gắn với dịch vụ, du lịch biển (Hội An, Duy Hải -Duy Nghĩa, Bình Minh, Tam Kỳ), hoặc các cơ sở công nghiệp (Núi Thành), đảm bảo theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh và thích ứng BĐKH.

Từ góc nhìn xem xét vùng phía Nam để tăng sức chống chịu cho khu vực nội thị Tam Kỳ, ông Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai (Ngân hàng Thế giới) nêu ý tưởng tạo thành vùng đệm xanh ở vịnh Chu Lai. Tầm nhìn xanh cho khu kinh tế sẽ góp phần tăng cường phủ xanh cho các khu đất và các hoạt động tách biệt, cũng như thu hút các nhà đầu tư có thiện chí.

“Mục tiêu chung của khu vực kinh tế sẽ bao gồm cân bằng giữa sinh thái và kinh tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp với các vấn đề khác như an toàn nguồn nước, thích ứng với khí hậu, phát triển kinh tế khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này có nghĩa là bất kỳ ô nhiễm nào ở khu vực đều sẽ được xử lý, hạn chế đến mức tối thiểu các tác động đối với môi trường xung quanh. Các bậc thềm xanh có thể hỗ trợ thực hiện mục tiêu này đồng thời giúp khu vực thích ứng với thực trạng mực nước biển dâng trong tương lai” - ông Nguyễn Huy Dũng đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị miền Trung thích ứng với BĐKH - Đô thị ven biển Quảng Nam: Phát triển theo hướng sinh thái và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO