Doanh nghiệp - doanh nhân

Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với kinh tế xanh

Tiến Trung 25/07/2024 - 07:09

Sản xuất xanh đang là xu hướng và mắt xích quan trọng giúp Việt Nam chuyển dịch xanh và phát triển bền vững. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng không ngoại lệ, đây là cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ cần hướng đi mới

Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

1(7).jpg
Chính phủ đặt biệt quan tâm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành ô tô, cơ khí. Trong đó, chỉ có 8% doanh nghiệp cung cấp cho nhà xuất khẩu, 70% cung cấp cho nhà sản xuất trong nước và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Một số sản phẩm khác cũng cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới như các linh kiện nhựa, hộp số, các sản phẩm dây cáp điện,… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của nước ta là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Dù có những bước tiến nhất định nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công còn thiếu các công đoạn có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nêu rõ, xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày gắn với kinh tế xanh.

Nhiều giải pháp để chuyển đổi xanh

Thực tế, hiện nay xanh hoá sản phẩm, xanh hoá quy trình sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh đang là xu hướng mới của nhiều doanh nghiệp nhằm nâng giá trị thương hiệu.

Đơn cử với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, “xanh hoá” và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… yêu cầu ở nhà cung cấp bên cạnh các yếu tố về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và giá cả.

2(5).jpg
Ngành dệt may đang hướng đến các sản phẩm “thời trang bền vững”

Theo đó, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Như vậy, nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.

Với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản xuất xanh không những giúp tiết kiệm được chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm mà còn mở ra những cơ hội bước chân vào các thị trường khó tính. Đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới tăng trưởng xanh bền vững.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đang chuyển xanh bằng nhiều giải pháp như nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt thiết bị để sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất,…

Một số doanh nghiệp thực hiện gia tăng diện tích cây xanh, sử dụng hệ hống năng lượng mặt trời toàn bộ mái nhà xưởng để sản phẩm được sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu tái chế, nâng cao hiệu suất sản xuất,…Việc ứng dụng các giải pháp về sản xuất xanh, bền vững giúp các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các Tập đoàn nước ngoài khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để dịch chuyển sang nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách cụ thể và thiết thực để thực hiện hiệu quả. Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các cơ quan chức năng cũng đã, đang và sẽ dành nhiều chính sách ưu đãi để doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng gây ảnh hưởng đến môi trường.

Có thể nói, chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình chuyển đổi cần một nỗ lực của tập thể đòi hỏi sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, xã hội, cộng đồng doanh ngiệp và tổ chức quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO