Phát triển BĐS du lịch ven đô: Còn nhiều hạn chế

07/03/2019 10:42

Du lịch phát triển kéo theo nhu cầu lưu trú gia tăng. Điều này dẫn đến xu hướng đầu tư bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng cũng tăng theo. Cùng với sự bùng nổ loại hình du lịch nghỉ dưỡng ở những địa phương ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… thì ở vùng ven những đô thị lớn cũng đang hình thành nên những khu du lịch và khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, làm tăng sức hấp dẫn của du lịch ven đô nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Thời gian qua, làn sóng đầu tư căn hộ khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn cũng như làm phong phú loại hình lưu trú và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, loại hình BĐS nghỉ dưỡng này mới chỉ tập trung nhiều tại những khu vực gắn với du lịch biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Phú Quốc…

BĐS du lịch
Nhiều khu nghỉ dưỡng ven đô hầu hết được xây dựng theo mô tuýp chung, chưa có điểm nhấn hay dịch vụ hấp dẫn

Còn tại những khu vực vùng ven đô, đầu tư kinh doanh du lịch đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng vẫn còn hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún và chưa tạo thành chuỗi. Hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình rất khiêm tốn.

Có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình, FLC Vĩnh Phúc, Baara Land Tuần Châu Hà Nội… nhưng số lượng này vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, BĐS nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới khoảng 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm. Trong khi đó, các khu resort xung quanh Hà Nội chỉ cung cấp được dao động khoảng trên dưới 2.000 phòng. Với lượng cung này, khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng còn rất thấp.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, việc phát triển du lịch ven đô sẽ trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các khu đô thị bị áp lực về môi trường, cuộc sống và không ít người cần có thời gian ngắn với chi phí thấp để giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng ven đô hiện nay vẫn có nhiều hạn chế như phát triển nhỏ lẻ, chưa tạo được điểm nhấn, bản sắc văn hóa riêng, mô hình cảnh quan, phòng nghỉ hầu hết đều theo một mô tuýp chung…

BĐS du lịch 1


Bên cạnh đó, nhu cầu đi du lịch hiện nay vào cuối tuần có thể rất đông, nhưng những ngày thường thì vắng. Công suất sử dụng phòng các khu ngoại ô rất thấp, nhiều khu resort chưa có nhiều chương trình vui chơi, giải trí, dịch vụ hấp dẫn để thu hút được khách tới…

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, năm 2019, thị trường BĐS tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng. Do vậy, các chủ đầu tư cần chủ động đưa ra nguồn cung phù hợp với nhu cầu theo quy luật thị trường thì sẽ thành công.

“Như tại Thái Lan, cụ thể là khu Chiềng Mai, các nhà đầu tư phát triển BĐS du lịch không chỉ giới hạn ở nghỉ dưỡng tại spa, resort mà còn xây dựng các hoạt động kích thích du lịch như xây vườn sinh thái du lịch mạo hiểm, trải nghiệm đi rừng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên... Thực tế này cho thấy, họ đặt rõ mục tiêu là làm gì để sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, từ đó vạch ra các sản phẩm du lịch cụ thể để khách du lịch muốn đến những lần tiếp theo…”, ông Võ chia sẻ thêm.

Do đó, theo các chuyên gia, xu thế hiện nay là các chủ đầu tư cần liên kết, hợp tác để đưa thông tin đến du khách và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt thì mới hiệu quả. Bởi, nếu chỉ đầu tư xong và chờ khách hàng tìm đến thì sẽ rất khó khi đi vào hoạt động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển BĐS du lịch ven đô: Còn nhiều hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO