Với vai trò có thể kết nối được đến hàng chục triệu hộ nông dân tại nhiều vùng miền trên cả nước, nếu được tận dụng, phát huy, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sẽ rất lớn và thực sự mang lại đa giá trị, vừa đem lại thu nhập cao cho người dân vừa thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2021, cả nước có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên con số hơn 14.400. Cùng với các HTX nông nghiệp kiểu mới đang không ngừng tăng lên, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và dần trở thành động lực quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.
Theo ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều này có thể thấy rõ khi nông nghiệp đang là ngành nhận được nhiều tài trợ vốn xanh từ ngân hàng nhất. Dư nợ tín dụng xanh cho nông nghiệp hiện chiếm tới 45% tổng dư nợ tín dụng xanh của toàn bộ hệ thống ngân hàng
Với lợi thế có thể kết hợp nhiều loại hình sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư nhiều cho việc quản lý, cải tiến quy trình sản xuất để giảm phát thải. Điển hình là Tập đoàn Vinamilk đã triển khai mô hình “Vòng tuần hoàn xanh”, thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín: từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải. Chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất và một phần khác được biến đổi thành biogas dùng để đun nước nóng cho hoạt động của trang trại. Kết quả trong năm 2021, các trang trại của Vinamilk đã giảm được 84.000 tấn CO2 tương đương.
Trong ngành gạo, các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo đã hướng dẫn, “bỏ” vốn hỗ trợ nông dân, HTX thực hành các biện pháp sản xuất xanh, giảm phát thải như: Áp dụng công nghệ tưới nước luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô (AWD), sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, giảm dùng thuốc trừ sâu; sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Với ngành cà phê, Nescafe Việt Nam là đơn vị đi đầu trong triển khai các mô hình trồng trọt giảm phát thải. Ông Phạm Phú Ngọc - Trưởng chi nhánh Nescafe tại Tây Nguyên cho biết: “Trong hơn 10 năm triển khai Chương trình Phân phát cây giống, chúng tôi đã tập huấn cho 330 nghìn nông dân về phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn GAP/NBFP - mô hình canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt; phân phát 63 triệu cây giống kháng bệnh và năng suất cao. Vùng nguyên liệu của Néscafe tại Tây Nguyên được trồng theo hướng nông nghiệp tái sinh thông qua thúc đẩy các mô hình xen canh hợp lý, quản lý cỏ dại tổng hợp, giảm tưới tiêu và sản xuất phân bón từ vỏ và bã cà phê”.
Theo đánh giá của Tổ chức độc lập Rainforest Alliance, năng suất trang trại Nescafe cao hơn đáng kể so với trung bình cả nước (3,2 tấn/ha so với 2,8 tấn/ha), giảm 20% chi phí sản xuất và phân bón hóa học, giảm hơn một nửa lượng nước tưới và lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường. Thu nhập trung bình của nông dân trồng cà phê tăng khoảng 14%.
Trong mô hình này, nông dân chính là trung tâm quản lý các nguồn lực và ra quyết định về hoạt động canh tác phù hợp với hoàn cảnh. Hợp tác với nông dân và các bên liên quan khác là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi công bằng và giúp đóng góp nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương - ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.
Chia sẻ về hiệu quả sau khi thay đổi phương thức sản xuất, ông Y Hưng Byă (buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, gia đình có hơn 1,7ha rẫy, trồng cà phê theo hướng dẫn của Nescafe và xen canh cây hồ tiêu. Niên vụ 2021 - 2022, giá cà phê và hồ tiêu đều tăng nên lợi nhuận đạt hơn 280 triệu đồng, tăng gấp 7 lần so với niên vụ 2019 - 2020. Trang trại của gia đình áp dụng hoàn toàn các biện pháp nông nghiệp tái sinh và ghi nhật ký đầy đủ, làm cơ sở tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất. Cách làm này giúp gia đình quyết định thời điểm bán cà phê và tiêu vào thời kỳ có lãi tốt nhất và cải thiện thu nhập của vườn nhà.
Đây chỉ là những ví dụ riêng lẻ, còn trên mặt bằng tổng thể, ngành nông nghiệp đang kỳ vọng sẽ có thể chuyển đổi từ nông nghiệp chạy theo sản lượng sang một nền kinh tế đa giá trị: lợi nhuận cao cho nông dân và bền vững về môi trường, tăng khả năng cạnh tranh với các ngành hàng khác, hướng tới xuất khẩu. Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện nay là giai đoạn ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước...
Về phía doanh nghiệp, không thể thiếu đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực phân tích kinh tế và môi trường, gắn kết lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường. Từ đó, chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.