(TN&MT) - Trên vùng đất xa xôi nơi cực Tây Tổ quốc có 1 Dự án đặc biệt phát huy được nhiệt huyết, tinh thần của tuổi trẻ; nguyện dấn thân, cống hiện xây dựng cho những bản làng vùng cao khó khăn của tỉnh Điện Biên thêm ấm no, hạnh phúc…
Dự án mà chúng tôi nhắc đến là Dự án 174 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 174 ngày 29/01/2010, nhằm tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020. Sau hơn 8 năm triển khai với 4 đợt, tăng cường hàng trăm trí thức trẻ tình nguyện nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn về các vùng khó khăn. Dự án đã giúp kinh tế các địa phương có nhiều khởi sắc, các bản làng vùng cao thay đổi diện mạo, nhận thức nhân dân trong tự lực phát triển kinh tế được nâng cao.
Sau cơn bất chợt của tháng ba, con đường đất hơn 1km về Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 đóng tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên trở nên trơn trượt như đổ mỡ. Đây cũng là con đường mà Phó Bí thư Đoàn xã Lường Thị Diên, trí trức trẻ tình nguyện dự án 174 đợt 4 tăng cường cho xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ thường xuyên lội bộ về để báo cáo kết thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn được giao.
Năm 2014, Diên tốt nghiệp khoa Nông - Lâm, Đại học Tây Bắc. Cầm trên tay tấm bằng cô gái trẻ 28 tuổi - Lường Thị Diên sinh ra và lớn lên tại xã khó khăn Mường Nhé, huyện Mường Nhé, thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao. Chính bởi vậy đã thôi thúc bản thân Diên đăng ký tham gia dự án, với mong muốn đem những kiến thức được học trên ghế nhà trường trợ giúp cho người dân trong phát triển kinh tế, thay đổi nếp sống lạc hậu của bà con trong sinh hoạt đời thường. Trí trức trẻ tình nguyện Lường Thị Diên chia sẻ: “Qua quá trình công tác tại địa phương, tôi cảm nhận cuộc sống của bà con địa phương còn gặp nhiều khó khăn, kể cả trong đời sống cũng như trong kinh tế. Sản xuất còn lạc hậu, bà con chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó tôi mong muốn ở lại địa phương để phát huy được sức trẻ của mình và những kiến thức mà tôi được học ở trường để giúp đỡ bà con thoát được cuộc sống khó khăn”.
Với quyết tâm và tinh thần tuổi trẻ, sau hơn 1 năm công tác tại địa bàn, những bản làng khó khăn nhất của xã Phìn Hồ cũng được Diên đặt chân đến. Những lần xuống cơ sở tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân không ngại ngày đêm cũng chẳng còn đếm được. Chỉ biết rằng người dân tại các bản xa nhất, khó khăn nhất như: Đệ Tinh, May Hốc, Đề Pua, Chăn Nuôi và nhiều bản làng khác trên địa bàn đã biết cách phòng chống rét hiệu quả cho gia súc, trồng chăm sóc các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định cuộc sống, không còn di cư tự do, chặt phá rừng. Công tác đoàn của địa phương ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện được hàng trăm buổi giúp đỡ người dân trong việc nạo vét kênh mương, khắc phục hậu quả mưa lũ và trao hàng trăm suất quà cho các em nhỏ còn khó khăn trên địa bàn.
Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379, Quân khu 2, người được giao nhiệm vụ quản lý đồng thời hỗ trợ các trí thức trẻ tình nguyện thực hiện nhiệm vụ của đội tại địa bàn nhận định, Quá trình hoạt động thì các đồng chí rất năng nổ, nhiệt tình, đem hết sức trẻ để cống hiến cho bà con nhân dân ở nơi vùng sâu, vùng xa. Hướng dẫn cho bà con phương pháp, các cách thức hoạt động trồng trọt chăn nuôi đạt hiệu quả rất tốt. Hiện nay tất cả các xã đều biết trồng lúa nước 2 vụ, các thôn bản có khoảng 50% biết làm nhà hợp vệ sinh, biết cách chống rét cho gia súc gia cầm và biết cách trồng trọt chăn nuôi theo khoa học.
Trong giai đoạn 2016 - 2018 có tổng cộng 35 đội viên xung phong về công tác tại Khu Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà, được tăng cường về các địa bàn khó khăn nhất tại các huyện của tỉnh, như: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông… Đây đều là những trí thức trẻ có trình độ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo giúp cho cấp ủy chính quyền các địa phương những sáng kiến hay về đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, ổn định đời sống người dân. Nhiều tri thức trẻ qua quá trình công tác đã khẳng định năng lực bản thân và được bổ nhiệm tại một số vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều dự án khó thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé; xây dựng nông thôn mới; phòng chống ma túy, HIV AIDS nơi vùng biên…
Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, từ khi có sự tham gia giúp sức của các trí thức trẻ tình nguyện, kinh tế của địa phương có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống chỉ còn 50%. Các đội viên đã giúp cho cơ sở củng cố các tổ chức đoàn thể ở các bản đi vào hoạt động có nề nếp hơn. Tuyên truyền về các chủ trương chính sách chủ yếu là về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Kết quả giúp cho địa phương rất nhiều, các mô hình kinh tế nhỏ đưa ra phù hợp với điều kiện thực tế của bà con nhân dân trên địa bàn. Nhận thức cũng như tiếp cận của bà con nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội cũng được nâng lên phù hợp với tình hình thực tế.
Với những kết quả đạt được trong các đợt tăng cường từ năm 2010 đến nay, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tăng cường của dự án 174 đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tại Điện Biên. Tuy nhiên để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa dự án này trên địa bàn trong thời gian tới, Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379, Quân khu 2 cho biết: cần tăng cường hơn nữa số lượng đội viên, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp ngành đối với điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của các đội viên tại cơ sở; bố trí biên chế việc làm cho các trí thức trẻ tình nguyện sau khi dự án kết thúc để từ đó hình thành nên những đội ngũ cán bộ giàu nhiệt huyết, tận tâm và am hiểu đặc thù của từng địa phương.
Bằng những kết quả đạt được, sự trao gửi niềm tin của chính quyền, đồng bào các dân tộc Điện Biên, có thể thấy Dự án 174 đã phát huy và ghi dấu ấn của sức trẻ trên miền đất khó nơi cực Tây của Tổ quốc, thể hiện tinh thần xung kích của lực lượng đoàn viên thanh niên trong thời đại hiện nay.