Du lịch

Phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Thanh Tùng 30/06/2023 - 20:16

(TN&MT) - Ngày 30/6, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững”.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003-5/7/2023).

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UNESCO, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển tại Việt Nam, tỉnh Khăm Muộn (Lào) và các nhà khoa học trong nước, thế giới.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, và các hạn chế, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Qua đó, đưa ra các ý tưởng, giải pháp và đề xuất chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản trị Di sản, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản để phát triển bền vững.

8.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh, cách đây tròn 20 năm, ngày 5/7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự cho một vùng đất của tỉnh Quảng Bình mà còn là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tầm quốc gia, đánh dấu sự khẳng định của quốc tế đối với giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.

Trải qua 20 năm bảo tồn, phát huy Di sản, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành biểu tượng du lịch không chỉ riêng của Quảng Bình, mà của cả Việt Nam và đã vươn tầm thế giới; khơi nguồn cảm hứng bất tận về bảo vệ, phát huy Di sản và khám phá những giá trị còn ẩn giấu của vùng đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt”. "Với những giá trị vô giá của nhân loại, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã hai lần được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng"”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, 20 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát các huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Phong Nha - Kẻ Bàng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành những quy định về quản lý Di sản, tuân thủ Luật pháp của Việt Nam và phù hợp với Công ước quốc tế; đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bảo tồn một cách nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của Di sản; nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn tầm khu vực và quốc tế được hình thành, góp phần thu hút du khách đến với Quảng Bình ngày càng tăng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 17 đã xác định đưa du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh Quảng Bình đã ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, coi trọng công tác quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, trong đó quy hoạch Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2025 và là trung tâm động lực tăng trưởng, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức liên kết, hợp tác phát triển; đẩy mạnh quảng bá Phong Nha - Kẻ Bàng ra thế giới…

Ngoài những giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của Di sản được giữ gìn, bảo tồn một cách nguyên vẹn, việc khai thác tiềm năng của Di sản đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng thị trấn Phong Nha nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung. Từ một vùng quê bình dị bên dòng sông Son thơ mộng, xã Sơn Trạch trước đây nay đã trở thành thị trấn Phong Nha – một đô thị du lịch đang từng ngày phát triển. Sự nỗ lực trong phát triển du lịch và hỗ trợ sinh kế cộng đồng đã mang tới cho người dân bản địa nhiều cơ hội trong hành trình vươn lên xóa đói nghèo, làm chủ kinh tế.

“Từ sau đại dịch Coivid-19, du lịch Quảng Bình dần trở lại phát triển mạnh mẽ, Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm du lịch có sự phục hồi nhanh nhất, đặc biệt là sự trở lại của khách quốc tế. Hiện nay, tổng lượng khách bắt đầu tiệm cận đến mốc 5 triệu lượt khách/năm của năm 2019, là thời điểm cao nhất trong 20 năm qua. Phong Nha – Kẻ Bàng được ví là trái tim của du lịch Quảng Bình, là điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Trần Thắng nhấn mạnh.

5.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trải qua hơn 30 năm tham gia, thực hiện Công ước, bằng tất cả sự nỗ lực của mình, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các di sản, Các nguồn lực để bảo vệ Di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa; các Ban Trung tâm quản lý Di sản thế giới, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia đóng góp công sức, kinh phí, tâm huyết cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ Di sản thế giới, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững. Cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Di sản thế giới.

Theo ông Hoàng Đạo Cương, Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng..., đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết. Do đó, Hội thảo quốc tế lần này sẽ là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế cho công tác quản lý bảo tồn Di sản Thế giới này.

6.jpg
Các đại biểu thảo luận chuyên môn về nghiên cứu, khai thác và hợp tác quốc tế, bảo tồn địa chất địa mạo, đa dạng sinh học liên biên giới

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế đã trình bày tham luận làm rõ thêm các lĩnh vực, như: Nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, khảo cổ, hang động, địa chất, văn hóa, du lịch, phát triển, truyền thông…

Tiêu biểu có các tham luận như: Định hướng phát triển bền vững di sản thế giới theo quan điểm của UNESCO; một số vấn đề trong quản lý di sản thế giới tại Việt Nam và tầm nhìn cho di sản liên biên giới đối với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng – Vườn quốc gia Hin Nậm Nô (Lào); lịch sử địa chất hang động và những giá trị di sản tiêu biểu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; kết quả 20 năm khám phá hang động Quảng Bình của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh; kết quả và đề xuất các cơ hội hợp tác liên biên giới với Phong Nha - Kẻ Bàng; các di sản hang động Karst tiêu biểu làm nên giá trị mỹ học của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO