Những ngày đầu năm, khi Tây Bắc khô ráo, ấm áp, chúng tôi đã lên đường đi tìm vườn chè cổ thụ khổng lồ, có lẽ là lớn nhất Việt Nam, chưa từng được biết đến, ở một dãy núi rất cao thuộc Lai Châu.
Cách đây gần 10 năm, Báo điện tử VTC News, đã công bố một phát hiện có thể nói là khá thú vị, đó là vườn chè cổ thụ, với những cây chè khổng lồ ngàn năm tuổi, ở độ cao 2.500m, ngay dưới đỉnh Fansipan, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.
“Người rừng” Trần Ngọc Lâm, khi vào rừng hái thuốc, khoảng năm 2000, đã vô tình lạc vào vườn chè này, khi tận thấy những hoa chè rơi dưới mặt đất.
Những cây chè này đều to như cây cổ thụ, lá mọc tít trên cao, lẫn trong sương mờ lảng bảng, rêu mốc, nên không tinh mắt để ý, thì không phát hiện ra được. Khi những bông hoa chè, thứ hoa rất đặc trưng rơi xuống mặt đất, thì thông thường mới phát hiện được chúng.
Ông Trần Ngọc Lâm từng ở Trung Quốc nhiều năm, biết người Trung Quốc rất quý loại chè cổ thụ ngàn tuổi, mọc hoang trong rừng, nên ông giấu kín, không nói với ai.
Ông Từng dẫn một vị khách người Nhật leo Fan vào rừng chè này. Vị khách người Nhật khi nhìn thấy những cây chè cổ thụ, to cả người ôm, ngàn năm tuổi, thì anh ta đã quỳ xuống khóc vì hạnh phúc. Anh ta không leo đỉnh Fan nữa, mà dựng lều dưới gốc chè, ngày ngày nấu chè uống, hưởng thụ cuộc đời thần tiên suốt một tuần lễ.
Phải đến 10 năm sau, năm 2010, ông Trần Ngọc Lâm mới tiết lộ với tôi về vườn chè này. Những hình ảnh cây chè lừng lững, thân rêu mốc, cành lá ẩn trong mây mù, khiến nhiều người yêu trà rung động. Lực lượng kiểm lâm, quản lý vườn chè đã đi khảo sát, quản lý vườn chè nghiêm ngặt. Giờ đây, vườn chè cũng là điểm thú vị khi chinh phục Fansipan. Dù phải đi thêm cả buổi, nhưng mỗi du khách đều muốn mang về một nắm lá chè, thứ lá mà nấu nước cả tiếng nước vẫn trong mà ngọt lừ nơi cuống họng.
Theo ông Trần Ngọc Lâm, chè hoang dã ngàn năm mọc rải rác ở Hoàng Liên Sơn, độ cao trên 2.000m. Từ quần thể chè ở chân đỉnh Fan, đi vắt sang phía Lai Châu, sẽ gặp vô số những vườn chè cổ thụ rêu mốc, sinh trưởng âm thầm cả triệu năm qua, nơi chưa có dấu chân người. Nhưng, phải đi vài ngày mới tìm thấy được. Tôi chưa có dịp chinh phục sườn Tây của Fan, để đi tìm những vườn chè trong huyền thoại đó.
Một ngày, nhận được thông tin, người Trung Quốc đang sang tận xã Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) để mua từng bao lá chè, từng nhúm nhỏ búp chè cổ thụ mọc hoang trong rừng sâu, tôi cùng lương y Phạm Văn Thanh đã lên đường tìm hiểu.
Tôi đã từng sang Hàng Châu (Trung Quốc) và được thưởng thức một loại trà quý tộc, mà búp trà có giá 1 tỷ đồng/kg, còn lá có giá 100 triệu đồng/kg. Trà quá đắt tiền, nhưng khi uống, thì phát hiện ngay vị chuẩn của thứ chè hoang dã như ở đỉnh Fansipan. Giới nhà giàu Trung Quốc cực kỳ chuộng loại trà hoang dã cổ thụ.
Trao xong mấy bao quần áo, dầu ăn cho các thầy cô ở trường mầm non Mồ Sì San do chúng tôi chở lên một xe bán tải, Thượng tá Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vàng Ma Chải chỉ tay về phía đỉnh núi Phàn Liên San (còn gọi là Khang Su Văn) chìm nghỉm trong mây mù bảo: “Thú thực với nhà báo, tôi biết dân đi bộ trong rừng, đến tận gần đỉnh Phàn Liên San cao hơn 3.000m để hái chè, bản thân tôi cũng đã được thưởng thức loại chè đó, nhưng đúng là chưa có điều kiện được tận mắt, vì đường đi quá xa, phải mất mấy ngày đi bộ trong rừng”.
Sau khi được cấp giấy vào biên giới, chúng tôi lên đường chinh phục đỉnh Phàn Liên San cao 3.012m, để đi tìm vườn chè cổ thụ. Đường đi từ bản Pờ Xa, thuộc xã Pa Vây Sủ. Mấy thanh niên người Mông gùi thức ăn, lều bạt dẫn đường, đi bộ leo núi dốc ngược suốt một ngày, qua trùng điệp núi non, thung lũng, mới đến độ cao 2.500m.
Mùa này, hoa chè nở vàng, rụng xuống mặt đất, nên dễ dàng phát hiện ra chỗ có chè. Chúng tôi thực sự kinh ngạc, ngỡ ngàng, khi trước mắt là những cây chè cổ thụ rêu mốc, thân to cả người ôm, cao chót vót. Nếu không có hoa chè rụng xuống, thì thật khó biết chúng là cây chè, khi chúng lẫn với những cổ thụ của đại ngàn nguyên sinh.
Chúng tôi cắt ngang núi, khoanh núi ở độ cao trên dưới 2.500m, theo GPS, thì gặp cả quần thể chè cổ thụ. Những cây chè lừng lững mọc lên lẫn những vạt trúc gai. Triệu năm qua, những cây chè cổ thụ lớn lên, rồi chết đi lặng lẽ ở góc rừng liêu trai sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ này, mà chẳng ai biết đến.
Chúng tôi luồn rừng chui rúc như những con thú hoang, rồi thống kê, rồi đếm, rồi phát mệt, bởi con số những cây chè khổng lồ lên đến cả ngàn. Cứ đi tiếp mà đếm thì nó lên đến cả vạn. Thật kinh ngạc với một rừng chè cổ thụ, mà có thể là quý hiếm, độc đáo và lớn nhất thế giới này.
Trước đây, khi tìm hiểu về loài chè cổ thụ ở Fansipan, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Vườn quốc gia Hoàng Liên, thì biết rằng, đã từng có một nhóm nhà thực vật ở Đại học Nông nghiệp 1, lên Trạm Tôn nghiên cứu mấy cây chè hoang thân to bằng bắp chân. Họ nghiên cứu tỷ mỉ lắm. Trong phương pháp nghiên cứu, có cả đo đạc thân cây. 10 năm sau, họ lên nghiên cứu lại để lấy thông số, thì kinh ngạc khi thấy suốt 10 năm, mà đường kính thân cây không to thêm milimet nào.
Một cây chè mọc hoang dã trong rừng thẳm, ở độ cao trên 2.000m, chúng lớn chậm đến nỗi, một cây bằng bắp chân, có thể có tuổi trăm năm, còn một cây người ôm không xuể, có thể đã ngàn năm rồi. Chúng là loài thực vật như thể hóa thạch giữa rừng già, trường tồn và thách thức thời gian.
Chúng ta cứ tưởng tượng, rừng chè ấy đã sinh trưởng triệu năm lẫn trong mây xanh, những cây chè đã tích tụ dưỡng chất suốt cả trăm, thậm chí cả ngàn năm, thì chúng sẽ cho ra vị trà tinh túy như thế nào? Có lẽ, hương của trời, vị của đất đã thấm đẫm trong những lá chè đó.
Mặt trời lặn nhanh ở phía Mường Tè mờ xa, sau những dãy núi lừng lững, chúng tôi dựng lều, đun nước, nấu chè, rồi cả đêm sưởi ấm bên đống lửa, nhâm nhi không chán những chén chè nghi ngút khói, ngọt sâu nơi cuống họng.
Lương y Phạm Văn Thanh, người nổi tiếng với bài thuốc chữa dạ dày, đi rừng như người Mông người Mán, nâng chén chè xúc động: “Loại chè này thực sự là thần dược khai trí tỉnh thần. Nếu Nhà nước không quản lý, khai thác, bảo tồn, phát triển được thương hiệu như cách người Trung Quốc vẫn làm thì thật đáng tiếc”.