Phát hiện, triệt phá hàng ngàn vụ vi phạm

30/12/2018 14:21

(TN&MT) - Sau 3 năm (2015 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bình Định đã phát hiện, triệt phá hàng ngàn vụ vi phạm. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh được bình ổn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

ảnh 1 bat hang lau
2 đối tượng dùng ô tô BKS 81A - 007.08 vận chuyển trái phép 17.000 gói thuốc lá nhập lậu bị lực lượng chức năng tạm giữ vào ngày 24.12

"Cuộc chiến nóng bỏng!"

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh  Bình Định (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389), sau 3 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 41, các thành viên trong Ban (BĐBP, CA, Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường…) đã phát hiện và xử lý trên 4.100 vụ vi phạm; trong đó có 289 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hơn 3.700 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế và 123 vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Riêng năm 2018, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện gần 1.500 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 1.487 vụ, xử lý hình sự 10 vụ/12 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 41 tỉ đồng.

Thượng tá Phan Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát kinh tế (CA tỉnh Bình Định), đánh giá: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh chủ yếu là mua bán, vận chuyển hàng ngoại nhập từ cửa khẩu biên giới các địa phương đưa về Bình Định tiêu thụ, với các mặt hàng như thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, tân dược, hàng điện tử, điện dân dụng, vải, quần áo may sẵn… Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm là xé lẻ hàng hóa, cất giấu ngụy trang vào hàng hóa khác và dùng xe tải, ô tô khách, xe thư báo, tàu lửa để vận chuyển trái phép. Riêng tuyến biển, các hành vi vi phạm chính vẫn là vận chuyển hàng hóa không hóa đơn, chứng từ với các mặt hàng như phân bón, đường, xăng dầu. Đặc biệt, các đối tượng làm giả hồ sơ hoặc sử dụng hóa đơn quay vòng để đối phó với cơ quan chức năng; nạn gian lận thương mại, gian lận thuế thông qua phương thức vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa vẫn còn diễn ra.

Đơn cử như vào ngày 24.7.2018, Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Định phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện ô tô BKS 77C - 051.46 do ông Nguyễn Văn Vui (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) điều khiển, đang đậu và sang chiết 2.500 lít dầu vào bể chứa tại Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Mai Tá, trên xe còn 7.500 lít dầu khác. Song tất cả số lượng dầu này không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Đơn vị chức năng lập biên bản xử phạt 100 triệu đồng đối với các đối tượng vi phạm.

Bám sát địa bàn, chủ động xử lý

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, Trưởng Ban chỉ đạo 389, nhận xét: Thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó đã góp phần ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng thu ngân sách, đảm bảo an ninh, trật tự chính trị tại địa phương, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Đó là còn một số ít lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống buôn lậu chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ nên việc nắm bắt tình hình, phát hiện đấu tranh, xử lý còn hạn chế. Lực lượng quản lý trên biển còn mỏng, nên khả năng xây dựng lực lượng mật để bố trí trên các địa bàn trọng điểm theo dõi hoạt động buôn lậu còn khó khăn. Một số quy định của pháp luật về công tác xử lý hành chính trong lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa đồng bộ gây khó khăn cho công việc xử lý. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật, hiểu rõ về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa được thực hiện thường xuyên,…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Phan Cao Thắng yêu cầu, trong thời gian tới, các lực lượng có liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, chú trọng các địa bàn giáp ranh, tuyến biển; quản lý tốt đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh tình trạng tham nhũng, bao che các vụ vi phạm.

“Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi - 2019 sắp tới, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng hóa trái phép, buôn lậu; đồng thời, tăng cường đấu tranh phòng chống các đối tượng vi phạm hiệu quả cao hơn”, Phó Chủ tịch Phan Cao Thắng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện, triệt phá hàng ngàn vụ vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO