Khung giá đất dự kiến tăng cao từ năm 2020 khiến giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp càng xa vời |
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, định kỳ 5 năm một lần, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và công khai bảng giá đất các loại vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Bảng giá đất của các địa phương hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Nếu không có khung giá đất mới thì các địa phương không có căn cứ để ban hành bảng giá đất mới và công tác thu ngân sách Nhà nước từ đất sẽ gặp trở ngại vì thiếu cơ sở pháp lý.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam cho biết, với sự điều chỉnh này, nhiều người có suy nghĩ rằng khung giá đất tăng kéo theo giá BĐS nhiều nơi sẽ tăng, nhất là phân khúc đất nền. Thêm nữa, khi giá đất tăng, giải phóng mặt bằng tăng, chi phí thu hồi đất, tạo quỹ đất cho các dự án BĐS tăng sẽ làm chi phí tăng.
"Tuy nhiên, mức tăng này đều chia đều cho toàn bộ dự án thì chi phí tăng sẽ không hề lớn. Việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá BĐS. Và nếu giá có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do điều chỉnh giá đất”, ông Quang nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định: "Giá thành nhà ở bao gồm nhiều thành tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Bên cạnh đó, giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn".
Trái ngược với tâm lý lo ngại trên, một số chuyên gia lại dự báo khi giá đất tăng, giá thành của các sản phẩm BĐS không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá Savills TP. HCM phân tích: “Nếu theo Luật Đất đai 2013, các dự án BĐS có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó việc điều chỉnh khung giá đất Nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án BĐS, từ đó giá thành các sản phẩm BĐS cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.
Cũng theo bà Linh, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá BĐS thay đổi nhanh chóng. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.