Ông Phạm Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh cho biết: Trước kia việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, toàn xã có 8 xóm thì thành lập 8 tổ thu gom rác, chủ yếu là vận chuyển về bãi rác tập trung của xã.
Đến năm 2012 thì xã thành lập 1 tổ chuyên thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Đến năm 2014, xã được Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình hỗ trợ lò đốt rác thải sinh hoạt trị giá 500 triệu, công suất 5 – 6 tấn/ngày. Vào thời điểm đó thì lò đốt này kiêm xử lý rác thải sinh hoạt cho 2 xã lân cận là Khánh Lợi và Khánh Tiên.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, lò đốt này bị quá tải, một số hạng mục bị hư hỏng như sàn, gạch chịu nhiệt… thế nên xã đề nghị tạm dừng xử lý rác cho 2 xã trên. Giai đoạn 2017 – 2018 rác không xử lý kịp gây ô nhiễm môi trường nên xã cho máy xúc vào đảo, phun thuốc khử trùng và chôn lấp.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình đã và đang được người dân xã Khánh Thiện thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc |
Nhận thấy việc xử lý rác là vô cùng khó khăn, tốn kém, mất thời gian và không đạt hiệu quả cao nếu không được phân loại tại nguồn, vậy nên từ cuối năm 2018 Khánh Thiện lập đề án phân loại rác thải tại nguồn và giao cho Hội Cựu chiến bình và Hội Phụ nữ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình.
Đề án này được hiện thực hoá và áp dụng tại xóm Cầu và xóm 1, mỗi hộ sẽ được phát 2 xô nhựa có dán tên từng xô bỏ rác thải hữu cơ và chất thải vô cơ riêng, mỗi xô nhựa được phát kèm với 2 loại túi nilon 2 màu xanh và đen để tổ thu gom dễ dàng nhận biết và đưa đến đúng vị trí xử lý phù hợp cho từng loại rác.
Hai xô dán tên, nhãn cùng 2 loại túi nilon 2 màu khác nhau để người dân phân loại rác thải chính xác |
Bà Đậu Thị Nụ (49 tuổi) ở xóm Cầu, xã Khánh Thiện chia sẻ: 217 hộ dân ở xóm Cầu đều được xã phát tận tay từng hộ đầy đủ xô nhựa và túi nilon màu. Người dân rất phấn khởi, vui mừng với cách làm này.
"Trước kia chúng tôi không hề biết cách phân loại rác, cứ có rác là bỏ chung vào 1 túi, thế nhưng sau khi được hướng dẫn thì bà con đã thành thạo trong việc phân loại. Không những thế, người dân xóm Cầu rất tự giác, nghiêm chỉnh trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, nếu làm chưa đạt thì tổ thu gom sẽ thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở" - bà Nụ chia sẻ.
Việc này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương mà quan trọng hơn là nâng cao ý thức phân loại rác cho cả gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ, qua đó chung tay bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch hơn. Tới đây, mô hình này sẽ được áp dụng trên địa bàn toàn xã, ông Quang cho biết thêm.