Phân loại rác tại nguồn ở Đà Nẵng: Nhận diện những tồn tại, hạn chế

Lan Anh| 30/12/2022 12:33

(TN&MT) - Phân loại rác tại nguồn, hướng tới phát triển xanh là chủ trương lớn trong tiến trình xây dựng thành phố môi trường mà Đà Nẵng đã tiên phong triển khai từ rất sớm. Tuy nhiên, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở Đà Nẵng trên thực tế còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Hơn 89% số hộ phân loại rác tại nguồn

Từ giữa năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND trong giai đoạn 2019 - 2025. Trong 3 năm qua (2020-2022), thành phố đã đầu tư đồng bộ công tác triển khai phân loại từ truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, tổ chức đầu tư trang thiết bị đến hạ tầng thu gom, xử lý.

phanloairac.jpg
Theo Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, năm 2022 đã có 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố thực hiện phân loại rác

Trong công tác đầu tư án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tính đến tháng 12/2022, Đà Nẵng có hai dự án Trạm trung chuyển rác đã hoàn thành thi công xây dựng, đang triển khai công tác nghiệm thu và hoàn tất thủ tục vận hành thử nghiệm, gồm Trạm trung chuyển rác thải đường Lê Thanh Nghị và Trạm trung chuyển rác thải khu vực Sơn Trà. Đồng thời, dự án Trạm trung chuyển rác thải khu vực Cẩm Lệ đã phê duyệt chủ trương dầu tư, đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng theo hình thức PPP đang triển khai công tác thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

phanloairac3.jpg
Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong thực hiện phân loại rác tại nguồn hiệu quả

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, với việc triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, năm 2022, đã có 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố, 79,69% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 100% trường học phân loại rác.

Kết quả thu về có hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế, thu được tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; hơn 330.000 kg rác nguy hại được thu gom sau phân loại, trong đó chủ yếu là pin, bóng đèn; khoảng 5.082 tấn chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn được thu gom.

Mặc dù đây là những số liệu cần rà soát, đánh giá thực chất việc triển khai phân loại tại các đối tượng, địa bàn dân cư nhưng có thể thấy rằng sự tích cực, đồng thuận rất cao từ người dân, cộng đồng dân cư chung tay trong công tác phân loại rác thải tại nguồn nói riêng và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố nói chung.

Giải pháp cho rác thải

Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng chỉ ra rằng, có thực tế là các nhóm chất thải sau phân loại và khi thu gom vẫn còn trộn lẫn, chưa được phân loại và thu gom riêng tương ứng từng hình thức xử lý. Điều này làm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe. Chất thải thực phẩm/hữu cơ có tỷ lệ lớn nhưng chưa được tận dụng làm tài nguyên, chất thải tái chế tại các bãi chôn lấp vẫn còn ở tỷ lệ cao.

phanloairac-2-.jpg
Tuy nhiên việc đầu tư cho công nghệ xử lý rác sau phân loại vẫn chưa được thực hiện

Về công nghệ xử lý rác thải của thành phố, hiện nay chỉ mới có một giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh; các dự án xử lý với công nghệ khác từ nay đến năm 2025 mới xác định đầu tư - vận hành. Do đó, hiện tại chưa thể quyết định các thành phần chi tiết rác thải đối với nhóm chất thải thực phẩm và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác. Trong khi đó, tiến độ đầu tư của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến quyết định về các thành phần rác khác cần triển khai phân loại.

Ngoài ra, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các quận, huyện, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở dịch vụ, tiểu thương, siêu thị, trung tâm thương mại... chưa tham gia chính thức, tích cực vào hệ thống phân loại rác tại nguồn của địa phương còn cao.

Công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại chưa triển khai quyết liệt; cách thức kiểm kê rác tái chế, đánh giá kết quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các địa phương chưa có quy trình thực hiện cụ thể nên khó khăn trong công tác đánh giá hiệu quả Kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực thích ứng (CAB) cũng cho biết, hiện nay, đơn vị đang triển khai chương trình “Trường học không rác” tại 10 trường học trên địa bàn thành phố. Thực tế cho thấy, nhiều trường học trên địa bàn báo cáo đã thực hiện phân loại rác hữu cơ, vô cơ, rác tái chế nhưng thực sự chưa thực hiện được. Bởi vì công tác truyền thông cho học sinh hiểu được vì sao phải phân loại, ảnh hưởng của việc không phân loại đến sức khoẻ bản thân thì chưa được thực hiện hiệu quả tại mỗi trường học.

“Trường học là một cơ quan, tổ chức tập trung để từ lan toả ra cộng đồng. Đà Nẵng nên làm mẫu ở một số trường học để có những bài học, kinh nghiệm áp dụng cho các tổ chức khác trên địa bàn”- bà Nga chia sẻ.

phanloairac4.jpg
Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ chú trọng thí điểm trường học phân loại rác tại nguồn để nhân rộng

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có nhiều nội dung mới, quan trọng, nhất là hàng loạt các quy định cụ thể về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quản lý chất thải nhựa; yêu cầu các đô thị tự quyết định phương thức phân loại cho mình và thời gian triển khai chậm nhất trước 31/12/2024.

"Trong thời gian chờ sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng vẫn phải đảm bảo để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tiếp tục được thực hiện và thực hiện có hiệu quả trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch tổng thể mà UBND thành phố đã phê duyệt”, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.

Năm 2023, Đà Nẵng đặt mục tiêu trên 90% tổ dân phố, hộ gia đình, cơ sở công nghiệp trong các KCN, cụm CN triển khai phân loại rác sinh hoạt; 100% trường học, cơ sở y tế và 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom chất thải thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại rác tại nguồn ở Đà Nẵng: Nhận diện những tồn tại, hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO