Cuộc thi là một trong những hoạt động trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà PVCFC hướng tới. Với việc phối hợp với các viện, trường tổ chức nhiều cuộc thi, PVCFC mong muốn đội ngũ kỹ sư tay nghề cao liên tục được cập nhật kiến thức, từ đó nâng dần chuyên môn phục vụ cho vận hành, tối ưu công nghệ tại các nhà máy của PVCFC.
Đồng hành tổ chức các cuộc thi, Phân bón Cà Mau kết nối với các doanh nghiệp và các chuyên gia công nông nghiệp, cũng như tìm kiếm đối tác, tận dụng tối đa các kết quả của dự án, mang lại góc nhìn tổng quát về giải pháp tự động hóa để giải quyết các bài toán thực tiễn.
Cuộc thi “Giải pháp sáng tạo Tự động hóa và Số hóa trong sản xuất nông - công nghiệp” lần thứ I năm 2023 chia làm 2 chủ đề. Chủ đề 1 là “Giải pháp điều khiển vị trí ứng dụng hệ truyền động băng tải, robot, CNC” tổ chức vào ngày 26/03/2023. Chủ đề 2 là “Điều khiển dựa trên công nghệ IOT” sẽ tổ chức vào quý IV/2023.
Cuộc thi diễn ra ngày 26/03 có 6 đội gồm các sinh viên đến từ nhiều khoa của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Cần Thơ. Ban giám khảo cuộc thi gồm 3 đại diện của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Cần Thơ là Ths. Trần Hữu Danh - Phó Trưởng Khoa Điện tử Viễn thông - Trưởng BGK, Ths. Hồ Phạm Thành Tâm - Kỹ sư trưởng Công ty SHRIMP TEK - Phó Trưởng BGK, Ths. Nguyễn Khắc Nguyên - Giảng viên Khoa Tự động hóa - Thành viên và 2 đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau là Ths. Quách Kía - Quản Đốc Xưởng Điều khiển và Ths. Lê Thanh Hải - Trưởng phòng kỹ thuật Bảo dưỡng.
Trực tiếp đồng hành tổ chức cuộc thi, ông Quách Kía - Quản đốc Xưởng Điều khiển, Nhà máy Đạm Cà Mau chia sẻ: Việt Nam sẽ tiến đến ngành công nghiệp 4.0 IT, OT, IOT, AI trong việc áp dụng tự động hóa vào sản xuất nông công nghiệp. PVCFC mong muốn kết nối với các viện, trường để có được những sản phẩm khoa học & công nghệ, tạo nguồn nhân lực kế thừa của PVCFC. Thông qua cuộc thi, PVCFC mong muốn tìm được tinh thần nhiệt huyết và thỏa sức đam mê của các bạn sinh viên, từ đó tạo ra những giá trị thực trong cuộc sống. Đây sẽ là hành trang cho các bạn sinh viên rời ghế nhà trường, chuẩn bị sẵn sàng bước qua một giai đoạn trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Ban giám khảo đánh giá rất cao tính sáng tạo của các bạn sinh viên trong việc tìm ra giải pháp mới, giải quyết bài toán đặt ra, điển hình một số bạn chỉ mới sinh viên năm ba nhưng đã ứng dụng được thuật toán điều khiển mờ (Fuzzy) và ứng dụng IoT để thu thập dữ liệu và hiển thị trên App điện thoại, các tiêu chí về chất lượng điều khiển đa số đều đạt được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần rèn luyện, trau dồi kỹ năng mềm nhiều hơn, một số bạn vẫn còn chưa tự tin ở kỹ năng phản biện, hỏi đáp với Ban giám khảo.
Với Phân bón Cà Mau, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể thiếu. Ngoài chính sách thu hút nhân tài, Công ty duy trì chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ kỹ sư PVCFC không ngừng trau dồi chuyên môn, va chạm trong nhiều cuộc thi để làm chủ công nghệ... Người lao động PVCFC luôn được tạo điều kiện và yêu cầu tham gia các khóa đào tạo của Công ty. Các khóa đào tạo trong - ngoài nước được thiết kế để người lao động, tùy theo vị trí chuyên môn, có thể cập nhật và đáp ứng được các quy định mới nhất của ngành, phát triển được các kiến thức chuyên môn cần thiết, cùng nhiều kỹ năng mềm.
12 năm qua, từng CBCNV của PVCFC luôn ý thức rèn luyện thân - tâm - trí và tạo thành cảm hứng sống và làm việc mỗi ngày. Dưới sự tiên phong, khích lệ của Ban Lãnh đạo, phong trào thi đua càng ngày càng chất lượng và thu hút, phủ rộng, từ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, đến phát kiến, cải tiến áp dụng trong công việc. Nhiều công trình tại Phân bón Cà Mau đi vào thực tiễn làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho công ty, cùng rất nhiều lợi ích khác không đo đếm được bằng tiền.