PGS. TSKH Nguyễn Tác An: “Nhận chìm là hoạt động kinh tế bình thường, song cần được kiểm soát chặt chẽ”

20/11/2018 11:32

(TN&MT) - Thực tế từ trước tới nay, để duy trì các hoạt động cảng biển, khai thông luồng lạch xây dựng các công trình biển, Việt Nam đã, đang thực hiện nạo vét và nhận chìm xuống các vùng biển phù hợp. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với PGS. TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang.

T333
PGS. TSKH Nguyễn Tác An,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam,
nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình
Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam,
nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang

PV: Thưa ông, một số ý kiến cho rằng, nhận chìm là hoạt động bình thường của việc đưa bùn cát từ vị trí đáy biển chỗ này chuyển sang để ở vị trí đáy biển chỗ khác để tạo luồng tàu cho cảng biển phục vụ phát triển kinh tế. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, đây là phương pháp cần thiết để giải quyết vật chất nạo vét ở cảng biển. Ông có ý kiến gì về vấn đề này. Hiện, trên thế giới phương pháp này đã được các nước áp dụng như thế nào?

PGS. TSKH Nguyễn Tác An: Đúng là như vậy, việc nạo vét khơi thông luồng lạch, hạ độ sâu thích hợp ở các bến neo đậu, ở các cảng biển, bảo đảm lưu thông, vận hành an toàn cho tàu bè, nhất là các tàu hiện đại, có trọng tải lớn (trọng tải có thể lớn hơn 150 - 300 nghìn DWT với mớn nước đầy tải trên 15 - 25m) là những hoạt động kinh tế bình thường, rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu vận tải thủy đang ngày càng tăng.

Thực tế, phát triển vận tải biển ở Việt Nam trong hàng chục năm qua đều có tiến hành nạo vét theo định kỳ và các loại bùn cát, trầm tích do nạo vét đều được  đem đổ (nhấn chìm) ở tại các vùng biển lân cận, gần khu vực nạo vét. Trên thế giới, hàng năm, có đến khoảng 250 - 500 triệu tấn vật liệu nạo vét được cấp phép nhận chìm xuống biển theo các công ước, các luật có liên quan (IMO, 2015). Ở các nước phát triển, hoạt động nạo vét, nhận chìm, khơi thông luồng lạch, cảng biển là những hoạt động kinh tế “ăn nên làm ra” (NAS,1990), nên có rất nhiều những công ty chuyên nghiệp với sự kết hợp chặt chẽ của rất nhiều những đơn vị chuyên môn có liên quan (công trình biển, kinh tế, kỹ thuật, khoa học, môi trường, tư vấn xã hội…) triển khai thực hiện, tuân thủ theo đúng những quy định của luật pháp trong nước và quốc tế, (Golberg, 1994).

T3
Nạo vét, nhận chìm là hoạt động kinh tế có điều kiện và phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo đúng các quy định. Ảnh: MH

PV: Luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều cho phép nhận chìm ở biển. Tuy vậy, ở Việt Nam gần đây, mỗi khi các doanh nghiệp xin được nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển là dư luận lại “dậy sóng” phản đối. Vì sao lại xảy ra tình trạng này, thưa ông?

PGS. TSKH Nguyễn Tác An: Đúng là có hiện tượng, cứ mỗi lần có thông tin nạo vét, nhận chìm đâu đó là xuất hiện ngay những làn sóng dư luận phản ứng. Về mặt quản lý, cần phải nghiêm túc xem xét, phải thấu hiểu nội hàm cụ thể của các luồng dư luận phản ứng đó: Cộng đồng phản ứng cái gì? Vì sao lại phản ứng?... Nghiên cứu kỹ các thông tin, bài viết “phản ứng” (đúng hơn là phản hồi). Vừa qua, tôi thấy, dường như đang có sự “ngộ nhận”, sự “nhầm lẫn” trong cách hiểu và đánh giá dư luận. Vì về bản chất, những luồng dư luận này không phải phản đối bản thân việc nạo vét, nhận chìm. Mọi người đều có đủ nhận thức để hiểu về tầm quan trọng của hoạt động nạo vét, nhận chìm trong phát triển vận tải biển, phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ cho an ninh quốc phòng.

Tôi nghĩ rằng, mọi người đều biết về các luật, các nghị định quốc tế và trong nước, có liên quan đến hoạt động nạo vét, nhận chìm... Thậm chí, còn có những người còn rất am hiểu các luật lệ, phép tắc, các điều được làm, các điều cần tránh, các việc cần phải được cảnh báo và lộ trình cũng như kỹ năng triển khai các hoạt động có liên quan đến nạo vét, nhận chìm… Chính vì có thông tin, có kiến thức về việc nạo vét và nhận chìm nên cộng đồng có nhiều phản hồi (phản ứng) - tôi xin phép được nhắc lại là họ không phải phản ứng, phản đối việc nạo vét và nhận chìm, mà dư luận phản hồi về những thông tin chưa rõ ràng, chưa chính xác, chưa khách quan, không sát với thực tế của việc đánh giá tác động, của việc điều tra, nghiên cứu, tham vấn cộng đồng… khi xây dựng, đề xuất các cơ sở luật pháp, khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường để cấp phép cho nạo vét và nhận chìm. Điều này, ai cũng bức xúc: Không thể nhận chìm chất nạo vét ở những vùng có di sản quốc gia, vùng bảo tồn biển, vùng có các quá trình hải dương học đặc thù, vùng có đa dạng sinh học cao, vùng có hệ sinh thái biển nhạy cảm, vùng ngư trường quan trọng khai thác hải sản…

Ngoài ra, còn thiếu, vắng các thông tin tham vấn ý kiến của dân cư địa phương, của các cơ quan tham mưu về an ninh quốc phòng… Thêm vào đó, kỹ thuật triển khai nạo vét và nhận chìm cũng phải được thông tin rõ ràng, khả thi… Từ góc độ khoa học, quản lý, chúng ta nên xem xét thật thấu đáo các kiến nghị phản hồi hợp lý của dư luận, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và làm cho người dân yên tâm là “chúng ta phát triển kinh tế nhưng không phải đánh đổi bằng mọi giá” - như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định.

PV: Theo ông, vật chất nạo vét ở các cảng biển có thể gây ra tác hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản vùng nhận chìm không?

PGS. TSKH Nguyễn Tác An: Tất nhiên là có những tác động tác hại cho môi trường, cho đa dạng sinh học, cho cảnh quan thiên nhiên, có gây ảnh hưởng cho phát triển một số ngành kinh tế biển khác. Tác động dễ thấy và nguy hại cho các hệ sinh thái cảnh quan là quá trình nạo vét và đổ ra biển là làm xáo trộn vùng biển, làm đục nước, làm thay đổi nền đáy, làm hủy hoại các hệ sinh thái và quần xã sinh vật đáy thủy vực…

Ở những vùng kinh tế phát triển, vấn đề ô nhiễm hóa chất có độc tính (kim loại nặng, dầu, mỡ, các chất bảo vệ thực vật, thậm chí, có cả các chất phóng xạ,…) trong các trầm tích nạo vét cũng rất đáng lo ngại, nhất là vì đã có thời gian tích lũy, lắng động lâu năm xuống nền đáy các luồng lạch, hải cảng. Do đó, không phải tất cả các chất nạo vét đều được phép nhận chìm và có thể nhận chìm bất kỳ ở mọi vùng biển. Nạo vét, nhận chìm là hoạt động kinh tế có điều kiện và phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo đúng các quy định của các luật ở trong và ngoài nước.

Về mặt quản lý, luật pháp và môi trường, việc cho phép đổ ra biển các trầm tích bùn cát nạo vét là phải dựa vào kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án. Do đó, xã hội mong muốn, cơ quan thực hiện việc đánh giá tác động môi trường phải chuyên nghiệp, chính tắc và triển khai nghiêm túc, có nghiệp vụ, có các cơ sở hạ tầng, thiết bị phân tích, đo đạc, kiểm định phù hợp… có đội ngũ chuyên gia mạnh, lành nghề… Việc triển khai nạo vét và nhận chìm phải có công ty chuyên nghiệp, có kinh nghiệm triển khai… Những người tham gia đánh giá tác động phải có kiến thức, phải có trách nhiệm cao trước xã hội. Được như vậy, sẽ hạn chế, giảm thiểu được gần như tối đa các tác động xấu của việc đổ các trầm tích bùn cát nạo vét ra biển.

PV: Để việc nhận chìm ko ảnh hưởng đến môi trường mà vẫn phát triển được kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý cần lưu tâm đến điều gì, thưa ông?

PGS. TSKH Nguyễn Tác An: Hiện nay, chưa ai nghĩ ra được cách gì để có thể loại bỏ hoàn toàn những tác động xấu của việc nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét đối với môi trường. Nhưng chúng ta không thể không triển khai nạo vét vì đó là một trong những hoạt động quan trọng của ngành kinh tế hàng hải là ngành kinh tế động lực, thúc đẩy toàn bộ 12 ngành kinh tế biển khác phát triển.

Tôi nghĩ, chúng ta hiện nay có đầy đủ năng lực, tiềm lực, có khả năng hoàn toàn làm giảm thiểu tối đa những tác động không mong muốn của quá trình nạo vét, nhận chìm, cũng như những hoạt động phát triển khác đến môi trường, đến xã hội. Đó là phải tăng cường việc quản trị phát triển biển theo xu thế của thời đại. Trước mắt, chúng ta phải mạnh mẽ triển khai những sách lược phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ an ninh chủ quyền Biển Đông hợp lý, theo tinh thần Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được Hội nghị TƯ lần thứ 8, khóa XII vừa ban hành, dựa vào 3 trụ cột: Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Sách lược quản trị phát triển phải có tính thích nghi và thích ứng cao với bối cảnh hiện nay ở biển Đông.

Để bảo đảm phát triển kinh tế biển, đảo, phải tăng cường, hiện đại hóa ngành vận tải sông - biển. Trước mắt, chúng ta nên huy động tổng lực hệ thống chính trị để giải quyết một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng liên quan đến chiến lược không gian biển trong xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế biển Việt Nam. Tập trung hoàn thành sớm quy hoạch không gian khai thác sử dụng và bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Gấp rút triển khai phân vùng, quy hoạch các khu vực có nhu cầu nạo vét và các khu vực có khả năng nhận chìm các chất nạo vét ở biển Việt Nam, làm “cẩm nang” cho phát triển. Được biết, phần lớn, các nhà hoạch định chính sách biển thường ít được thông tin về lượng hóa giá trị kinh tế của việc xây dựng chiến lược phát triển của vùng biển, đảo theo nguyên tắc hợp tác, liên kết và chia sẻ đa mục tiêu các lợi ích kinh tế - xã hội.

Nếu không có sự quyết tâm chính trị nhằm cải thiện quy hoạch và quản trị phát triển vùng biển, đảo, rất khó có thể đạt được mục tiêu sử dụng tài nguyên vùng biển một cách khôn ngoan, chia sẻ và xây dựng một nền kinh tế biển, đảo hài hòa, bền vững, có sức mạnh cạnh tranh cao trong hội nhập. Các chuyên gia đều cho rằng, thách thức có tính vĩ mô, chính là sự phát triển quyết tâm chính trị. Mọi người đều thấy, cải thiện quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kể cả quy hoạch không gian và quản trị sử dụng bền vững vùng biển, đảo, luôn luôn là một trong những thách thức không nhỏ của thế giới, trong đó, có Việt Nam ở biển Đông.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS. TSKH Nguyễn Tác An: “Nhận chìm là hoạt động kinh tế bình thường, song cần được kiểm soát chặt chẽ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO